Ấn tượng về dòng tranh khoa học giả tưởng của họa sĩ Nguyễn Văn Thuấn

Hơn 10 năm miệt mài sáng tác hơn 10.000 bức tranh với nhiều thể loại và đa dạng chất liệu, cuối cùng Họa sĩ – Kiến trúc sư Nguyễn Văn Thuấn đã khẳng định được phong cách sáng tạo nghệ thuật độc đáo, riêng biệt của mình qua dòng tranh đa diện, đa hướng. Cũng chọn đề tài vẽ chân dung, nhưng trong từng gương mặt người lại ẩn hiện nhiều chiều không gian sống động và lồng ghép nhiều câu chuyệncảm động trong thực tế nhưng cũng có lúc là những câu chuyện về vũ trụ, mang tính khoa học giả tưởng thật độc đáo…

Xin chào Họa sĩ – Kiến trúc sư Nguyễn Văn Thuấn. Mới đây, anh vừa tổ chức một cuộc triển lãm tranh cá nhân lần thứ 6 mang chủ đề “Đa diện”, tại phòng trà An Nhiên, được đồng nghiệp và khán giả đánh giá cao về chuyên môn. Vì sao lần này anh triển lãm tranh vẽ bằng bút bi, bút sắc hoặc chất liệu tổng hợp mà không phải tranh sơn dầu như các cuộc triển lãm tranh “Mật mã”, “Ảo ảnh”, “Ngày và đêm”, “Phiêu lưu”, “Phố” trong nhiều năm qua?

Họa sĩ – Kiến trúc sư Nguyễn Văn Thuấn bên cạnh bức chân dung tự họa “Đa diện 3” (chất liệu tổng hợp).

Xin chào Quý báo và bạn đọc Giải trí cùng sao. Với hơn 15 năm đam mê nghiên cứu về kiến trúc và mỹ thuật tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, tôi vô cùng ngưỡng mộ trước các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thú vị của các thiên tài trên thế giới được làm từ rất nhiều chất liệu tạo hình. Thời gian đầu, tôi cũng sử dụng nhiều chất liệu khác nhau để sáng tác tranh đa dạng như sơn dầu, màu nước acrylic, tổng hợp, sơn mài, bút chì, bút bi, bút sắt… Nếu như những cuộc triển lãm tranh ngày xưa của tôi chú trọng về việc tạo hình bên ngoài từ việc phối màu cho đến kỹ thuật tô màu từng lớp trong tranh vẽ sao cho hài hòa, bắt mắt về bố cục, màu sắc tổng thể… thì lần này, tôi đã chuyển hướng đi sâu vào tâm thức, nội tâm bên trong của các nhân vật tôi vẽ nên tôi đã chọn bút bi và bút sắt, bút chì để dễ ký họa chân dung bên trong của họ. Nhiều người nhận xét tranh tôi có đường nét tổng thể của kiến trúc, nhưng mang phong cách nghệ sĩ cowboy và ý tưởng phiêu lưu như trong các câu chuyện khoa học giả tưởng trên vũ trụ…

Với 50 họa phẩm chân dung của anh vẽ các nhân vật nam, nữ từ trẻ đến già hay có những bức tranh tự họa của anh. Tuy khác nhau về hình tượng tạo hình trong các họa phẩm này, nhưng lại giống nhau ở chất “nổi loạn trong nghệ thuật”, không khác gì những “ma trận” đang ẩn hiện trong trí tưởng tượng phức tạp xuyên không gian, thời gian của anh. Anh tâm đắc nhất tác phẩm nào?

Tranh “Thủy cung” của Nguyễn Văn Thuấn

Dòng tranh đa chiều , đa hướng của Nguyễn Văn Thuấn

Đã mang “máu nghệ sĩ” trong người thì ít nhiều ai cũng có tính “nổi loạn” (tạm gọi là “cái ngông”) như thích sống tự do, phiêu lưu, không thực tế khi theo đuổi con đường nghệ thuật… Tôi cũng vậy, cuộc đời thăng trầm của tôi trải qua rất nhiều nghịch cảnh nên khi sáng tác tranh, tính nổi loạn của tôi được thể hiện rất rõ nét trong tranh, như thư pháp gia Nguyễn Hiếu Tín đã nhận xét về tranh của tôi là: “…Họa sỹ Văn Thuấn với những đường nét phiêu linh “Bút họa cuồng phong” nhưng ẩn tàng nội tâm tĩnh lặng đầy tính nghệ thuật – khoa học và tư duy vượt thoát trong những đường nét tưởng chừng như hỗn độn nhưng lại rất hài hòa…”.  

Tranh của tôi mới nhìn thì tưởng hỗn độn như một “ma trận” với nhiều họa tiết, thông tin đa chiều, phức tạp đan xen vào nhau nhưng khi cắt lát từng mảng đa diện, soi vào từng góc nhỏ trong tranh thì thấy nó là một chuỗi dữ liệu về ký ức, ước mơ, hoài bão, thông điệp, liên kết nhiều câu chuyện xung quanh nhân vật chính trong tranh… Từng mảnh ghép đa chiều, đa nghĩa, đa không gian hợp lại trong tổng thể đã tạo nên một chuỗi mắc xích liên kết đến vô tận… Chỉ cần di chuyển sang vài cm, là mọi người có thể thấy một tầng không gian khác hay một hành tinh khác hiện ra trong trí tưởng tượng của tôi… Có khi nhân vật của tôi lại ẩn hiện, chuyển động, lồng ghép trong những đường nét đó qua loạt tranh chân dung vẽ “Đa diện”, “Nhân tượng”, “Thủy cung”, “Cơn sóng trào”…   Nhìn chung, tất cả các bức chân dung đều cho tôi những kỷ niệm, trải nghiệm sống quý báu nên tôi đều tâm đắc như nhau. 

Tác giả Nguyễn Văn Thuấn bên cạnh các họa phẩm cùng với bài báo của Thư pháp gia Nguyễn Hiếu Tín viết về dòng tranh của anh.

Có người nói anh là một họa sĩ quậy, thích nổi loạn trong thế giới hội họa và có những cái ngông đến cực đoan như kiểu sáng tạo của Steve Jobs  – một thiên tài trong lĩnh vực công nghệ viễn thông, điện thoại di động, cha đẻ của iPhone, Apple. Anh nghĩ sao về điều này?

Những người sáng tạo nghệ thuật hay những nhà phát minh khoa học, công nghệ, khác nhau về ngành nghề nhưng giống nhau ở bản chất “nổi loạn để đi tìm, khám phá sự mới lạ, độc đáo” trong nghề nghiệp, hướng đi cho riêng mình. Họ rất cá tính, dám chấp nhận mọi rủi ro, đương đầu trước mọi thử thách khó khăn nhất, họ không thích sống an toàn, an phận như bao người khác mong muốn. Khi chưa thành công thì họ thường bị coi là “ngông cuồng, gàn dở” nhưng khi đạt đến thành tựu về mặt vật chất, thành tựu nhất định nào đó thì họ được xem là “những nhà tiên phong, sáng tạo, đầy bản lĩnh”. Tôi không quan trọng người khác xem mình là người như thế nào, tôi chỉ biết rằng khi đối diện trước những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hay công việc thì tôi không bao giờ đầu hàng số phận, mà tôi dám sống và làm việc theo tinh thần của một chàng kỵ sĩ cowboy, quyết đoán và làm việc gì cũng phải đam mê tới cùng thì mới đạt được kết quả tốt nhất… Tôi cũng rất ngưỡng mộ nhân vật tài hoa Steve Jobs.

Họa sĩ Văn Thuấn tặng tranh cho họa sĩ Thái Luận – chủ quán trà An Nhiên tại phòng tranh (47 Trần Thiện Chánh, P.12, Q.10)

Làm thế nào anh có thể giữ lửa đam mê sáng tác tranh liên tục mỗi ngày trong suốt nhiều năm qua, ngay cả những lúc đối diện trước bao biến cố dồn dập, thậm chí có những lần anh suýt bỏ mạng vì bệnh nặng?

Tôi thành lập công ty kiến trúc đặt tên Gam Màu cách nay 16 năm, như một sự tiên đoán cho con đường đến với hội họa của tôi sau này. Trong 2 năm từ 2011 – 2012, tôi có mở quán cà phê mang tên Cowboy. Vào năm 2012, tôi tổ chức triển lãm tranh cá nhân lần đầu tiên mang chủ đề “Mật mã” tại Nhà Trưng Bày Triển Lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM). Từ đó đến nay tôi đã tham gia nhiều cuộc triển lãm kết hợp đi giao lưu sáng tác tranh ở các tỉnh thành trong cả nước và tổ chức 6 cuộc triển lãm tranh cá nhân trong 10 năm qua. Đối với tôi, hội họa như một người bạn tinh thần, một tri kỷ, đã giúp tôi tìm được con người chân thật, hạnh phúc bên trong mình. Mỗi khi vẽ tranh, nguồn năng lượng sáng tạo bên trong tôi được tuôn trào bất tận, không bao giờ bị bế tắc. Ngay cả những lúc tôi bệnh thập tử nhất sinh nhưng sau khi tôi được về phòng hồi sức thì chỉ cần cầm bút và tờ giấy lên để vẽ vài nét, con người bên trong tôi cảm thấy lạc quan vô cùng nên quên luôn cả cơn bệnh hiện tại của mình… Tuy tôi bị bệnh tim, vừa mổ tim xong nhưng tôi có thể vẽ tranh và nói về tranh bằng cả trái tim hàng ngày hàng giờ rất hào hứng…

Họa sĩ Nguyễn Văn Thuấn giao lưu với các khán giả xem tranh

Khách xem tranh Bùi Thanh Sang, nhà văn Amazone Nguyễn Ngọc Hà và Họa sĩ Nguyễn Văn Thuấn.

 Hiện nay, dòng tranh đa diện, đa hướng này của anh đang được đánh giá cao là dòng tranh mang tính khoa học, trí tuệ và có sự chuyển động của nhiều tầng lớp không gian lồng quyện trong từng bức họa chân dung của các nhân vật. Như vậy, trong thời gian sắp tới anh có những dự định nào để phát triển, lan tỏa rộng rãi dòng tranh đặc biệt này đến với công chúng nhiều hơn nữa hay không?  

Hiện nay tôi nhận được nhiều lời mời hợp tác về các dự án tranh của tôi với những người bạn sưu tầm tranh, các đồng nghiệp họa sĩ, kiến trúc sư. Họ muốn cùng tôi tổ chức các chuỗi triển lãm tranh tại TP.HCM, khai trương phòng tranh hay những buổi workshop giới thiệu dòng tranh đa diện đa hướng… Từ giữa tháng 7 cho đến cuối năm nay, tôi được mời đi giao lưu sáng tác – triển lãm tranh tại các khu resort nghỉ dưỡng ở Hội An và các tỉnh miền Trung…  Tôi xin cảm ơn mọi người đã luôn ưu ái, động viên, ủng hộ dòng tranh đặc biệt này của tôi.

Bài, Ảnh:  ĐỖ THIÊN HƯƠNG

Categories: Ngôi sao

Tags: ,

Comments are closed