Đạo diễn Hùng Tống đã có những chia sẻ thú vị cùng GIAITRICUNGSAO xoay quanh sự thành công của Sitcom Cha Anh Mẹ Em. Đây là một trong những dự án phim ảnh thành công đáng chú ý của anh.
Đạo diễn Hùng Tống cùng ekip Sitcom Cha Anh Mẹ Em – Ảnh: C.A.M.E
Với hiệu ứng khán giả sau Phần 1 Sitcom Cha Anh Mẹ Em, có vẻ như cho thấy thể loại này rất hợp với anh?
Ngoài Cha Anh Mẹ Em, tôi có cơ hội thực hiện nhiều bộ phim sitcom, webdrama và các dự án phim truyền hình khác. Tuy nhiên, điểm chung là phần lớn đều xoay quanh đề tài gia đình, xã hội (cười). Tôi thích thể loại này cũng bởi tính gần gũi, đầy ắp câu chuyện và rất “đời” của nó. Ngoài ra, việc được trải nghiệm từ gameshow đến các chương trình truyền hình thực tế về gia đình chính là cơ hội quý báu giúp tôi có thêm nhiều chất liệu làm phim ở thể loại này. Có lẽ đây là một cái duyên của tôi đối với nghề, trộm vía thời gian qua được tổ đãi nên khán giả quan tâm nhiều đến.
Đạo diễn Hùng Tống còn góp vai trò trong nhiều chương trình truyền hình khác nhau – Ảnh: NVCC
Ở vai trò của đạo diễn, theo anh yếu tố nào sẽ quyết định đến khả năng diễn xuất của một diễn viên, nhất là khi họ hóa thân vào các vai nặng tâm lý?
Để đánh giá một diễn viên không dễ, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm. Tuy nhiên có thể nói, bên cạnh kỹ thuật diễn xuất, vốn sống của diễn viên thì tôi nghĩ kịch bản là yếu tố tiên quyết tạo nên một vai diễn thành công. Không ít những diễn viên chọn phim đóng là vì họ thấy kịch bản tốt. Nói như vậy không có nghĩa là mọi kịch bản đều hoàn hảo, nó còn nhờ vào tài ứng biến, sáng tạo của người diễn viên nữa. Nhưng nếu nội dung phim càng hay thì sẽ tạo thêm cơ hội cho diễn viên được sáng tạo, có thể gọi vui là như “hổ mọc thêm cánh”. Bởi vậy, khi cốt truyện được đẩy mạnh cao trào cũng như các tình tiết được xây dựng lắt léo hơn thì sẽ giúp các diễn viên có ‘đất’ diễn xuất, bộc lộ được hết cá tính của nhân vật. Đó cũng là lý do mà chúng tôi quyết định triển khai tiếp Phần 2 của bộ phim Cha Anh Mẹ Em.
Quan sát kỹ các nét diễn của diễn viên để điều chỉnh kịp thời trên set quay là công việc bắt buộc của một đạo diễn – Ảnh: C.A.M.E
Anh và các diễn viên hợp tác với nhau như thế nào tại trường quay? Làm việc với nhiều diễn viên cá tính khác nhau có dẫn đến xung đột?
Với mỗi cảnh quay, việc phân tích cụ thể tâm lý cũng như tính cách của nhân vật để diễn viên cảm rất quan trọng, tôi luôn “xin” những phản biện, góp ý từ họ để có thể làm tốt nhất. Dĩ nhiên không phải lúc nào hai bên cũng phối hợp tốt, có nhiều cảnh quay phức tạp khiến cho việc trao đổi giữa đạo diễn và diễn viên gặp khó khăn, thậm chí là không tìm được tiếng nói chung, phải ngồi xuống bàn bạc lại. Những lúc như vậy đòi hỏi đạo diễn phải chủ động tìm ra hướng mới để kết nối, hoặc giảm bớt cái tôi của mình để tạo cho họ một tâm lý nhập vai tốt nhất.
Còn áp lực chắc chắn rồi nhưng đó là cả ekip chứ không chỉ riêng đạo diễn, bởi một bộ phim ra mắt là công sức của cả tập thể hợp lại. Mấy ông đạo diễn thấy vậy chứ nhiều lúc phải lo cho đoàn phim làm sao để thoải mái, vui vẻ và nhiều năng lượng nhất để làm việc (cười). Được làm việc với một người đạo diễn tâm lý như vậy thì diễn viên cũng sẽ quý mến và phối hợp ăn ý với ekip hơn.
Tâm lý thoải mái luôn giúp các diễn viên vào vai tốt hơn – Ảnh: C.A.M.E
Anh nhận xét thế nào về năng lực và thái độ của các bạn diễn viên trẻ hiện nay, đặc biệt là với các phim mình ở vai trò đạo diễn?
Những bạn diễn viên trẻ đa phần chưa có kinh nghiệm, nhưng các bạn có tư duy diễn diễn xuất rất tốt, nhiều cái mới mẻ và hợp thời. Tôi có cơ hội được làm việc với nhiều diễn viên trẻ, thái độ rất chuyên nghiệp và cầu thị. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm nên cần phải bồi dưỡng nhiều hơn để tránh bị “diễn theo phản xạ”. Ra trường quay, tôi luôn tâm niệm rằng phải hướng dẫn nhiệt tình, giải thích, thậm chí là động viên để các bạn ấy thấu hiểu nhân vật, khi đó vai diễn mới thể hiện được hiệu quả và đúng ý phim muốn truyền tải.
Dù áp lực diễn xuất, các diễn viên vẫn mang một tinh thần năng lượng tích cực – Ảnh: C.A.M.E
Đề tài gia đình đã được khai thác rất nhiều trên phim. Anh có nghĩ đây là một sự lựa chọn khá an toàn với mình không?
Một bộ phim quá an toàn thì chắc chắn không thể làm cho khán giả yêu thích và theo dõi lâu được, còn nếu phim dở thì chắc chắn sẽ bị đào thải ngay! Tôi nghĩ khán giả sẽ là thước đo khách quan nhất cho một bộ phim, bởi họ hiểu mình muốn gì và thích xem gì. Người ta thường nói phim hay hoặc dở phải chờ lên sóng mới biết mà. Theo tôi, có 2 yếu tố khi nói về phim gia đình: thuận lợi của phim gia đình là đề tài hay, câu chuyện cuộc sống có quá nhiều tình tiết để tạo nên các kiểu tình huống kịch tính, mâu thuẫn, hài hước… Nhưng, cái khó là phải thể hiện cho ra chất “đời”, khai thác nó gần gũi nhất với xã hội, chưa kể chuyện phải nắm bắt xu hướng và thay đổi gia vị liên tục để không bị lỗi thời. Về điều này thì mỗi người đạo diễn, mỗi ekip sản xuất tùy thuộc vào hoàn cảnh mà có những định hướng và cách khai thác khác nhau.
Chạy thoại cũng là một công việc áp lực và quan trọng không kém đối với đạo diễn và các diễn viên – Ảnh: C.A.M.E
So với những đồng nghiệp khác, cách làm phim của anh có gì khác biệt?
May mắn lớn nhất của tôi là được đào tạo bài bản trong Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, cộng thêm việc “chinh chiến” ở nhiều đoàn phim khác nhau đã giúp tôi học được kinh nghiệm trực tiếp từ nhiều đạo diễn gạo cội đi trước. Tôi tự đặt thử thách cho bản thân là làm phim phải thật sâu sắc và phải mới liên tục, nếu không sẽ bị khán giả chê là “một màu”. Nếu đề tài của phim quen thuộc thì tôi phải cố gắng giải quyết vấn đề của gia đình trong phim theo hướng cách hành xử văn minh, không đi theo lối mòn hay những thứ không còn phù hợp thời đại.
Ngoài ra, điều mà tôi thấy nhiều phim khác chưa thể hiện được tròn trịa chính là thông điệp của phim. Chẳng hạn như ở Cha Anh Mẹ Em, nhà sản xuất muốn lồng ghép nhiều câu chuyện hay, nhân văn về tình cảm gia đình, tình anh em, tình cha con nhưng phải hợp lý và đúng chỗ. Làm sao để người xem phải thấy được chính mình ở trong phim, chứ không phải kiểu gán ghép cứng nhắc.
Đạo diễn Hùng Tống sẵn sàng thử sức với nhiều thể loại phim khác trong các dự án sắp tới – Ảnh: NVCC
Anh nghĩ sao về thị trường phim Việt hiện nay? Liệu giữ bản sắc Việt trên phim có khó?
Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường phim ảnh hiện nay không chỉ dừng lại trên màn ảnh nhỏ. Khán giả bây giờ có quá nhiều sự lựa chọn phim để xem. Chính vì sự tiện lợi này mà các nhà sản xuất có nhiều “đất” để làm phim hay nhưng cũng chính vì thế mà khán giả cũng sẽ dễ dàng bỏ qua những sản phẩm kém chất lượng. Điều này đòi hỏi các nhà làm phim càng ngày phải đầu tư để nâng cao chất lượng. Phim hiện nay không phải chỉ cần nội dung hay mà diễn viên, bối cảnh cũng phải đẹp thì khán giả mới chọn xem.
Phim ảnh chính là bản sắc là văn hoá của người Việt. Chỉ cần xem một bộ phim, khán giả trong nước và quốc tế nhận biết ngay phim đó là phim Việt và do người Việt làm ra. Bởi vì nó có những đặc trưng riêng từ bối cảnh, trang phục, ngôn ngữ, đến văn hoá giao tiếp mà diễn viên truyền tải. Tuy nhiên, để làm được điều này không phải dễ, nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhất là kinh phí.
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!
PV