Vì nhiều lý do trong chi phí sản xuất, những chiếc áo phông hàng hiệu trông chẳng khác đồ bình dân là bao nhưng giá gấp đến cả trăm lần.
1. Chi phí sản xuất cao
Các thương hiệu cao cấp thường chọn sản xuất ngay tại những nhà máy chất lượng cao ở châu Âu, vì thế chi phí nhân công sẽ đắt hơn hẳn những quốc gia thứ 3 như Ấn Độ và Việt Nam. Bạn có thể mua một chiếc áo nhìn tưởng như y hệt của Stella McCartney và Gap, tuy nhiên điểm khác biệt là trên áo của Gap, sẽ không đời nào có thể gắn mác “Made in Italy”.
Áo Dolce & Gabbana trông thế thôi, để được gắn mác Made in Italy đâu có dễ. |
2. Số lượng hạn chế
Diện một chiếc áo hàng hiệu cao cấp, bạn sẽ không lo là nó nhan nhản, người người nhà nhà mặc như Zara. Vì thế, thay vì sản xuất ra 1.000 cái, họ chỉ làm đúng 100 chiếc. Bên cạnh đó, nhiều nhà mốt cũng không muốn chi trả quá nhiều tiền cho việc sản xuất hàng loạt, trong khi họ có rất nhiều sản phẩm với giá thành cao như áo khoác, túi xách, giày…
Chỉ cần mặc chiếc áo vàng chóe logo DHL này là người ta biết bạn đã chi đến 7,5 triệu đồng để sắm áo phông. |
Hầu hết các nhà xưởng đều tính cùng mức giá thành sản xuất kể cả bạn sản xuất hàng trăm chiếc hay chỉ là một vài chiếc. Do đó, nếu bạn sản xuất 500 chiếc áo T-shirt, giá thành của chúng cũng sẽ rẻ hơn so với sản xuất 10 chiếc. Các nhãn hàng sẽ tính mức giá này vào giá trị của chiếc áo mà người mua phải trả.
3. Chi phí nghiên cứu thị trường, xu hướng
Trong khi đồ bình dân chỉ cần chờ xem các ông lớn ra mẫu mã gì thì copy theo thì các thương hiệu cao cấp lại tốn nhiều chi phí để nghiên cứu thị trường, xu hướng mùa mốt. Giám đốc sản xuất của Lanvin Alber Elbaz cho biết, họ phải tạo ra 6 chiếc váy chỉ để chọn giới thiệu 1. Mỗi một món đồ tạo ra là công sức của cả tập thể thiết kế qua nhiều sự bàn bạc. Họ thậm chí còn phải trả chi phí hợp tác cho nhiều đối tác, nhà thiết kế, đồ họa… để có thể sáng tạo ra những mẫu mã mới lạ, logo, slogan độc quyền…
Mẫu áo phông mới đang gây sốt của Dior. |
4. Marketing và các fashion show
Mỗi năm, các nhà mốt có 2 mùa để giới thiệu bộ sưu tập mới. Để từ bản vẽ đến sản phẩm và sau đó lên sàn diễn cho giới mộ điệu ngắm nghía, họ phải bỏ ra chi phí khổng lồ. Điều này chắc chắn phải tốn kém hơn việc chỉ cần cho người mẫu đứng trước phông trắng, chụp hình sản phẩm rồi đưa lên website. Chi phí thuê người mẫu làm gương mặt đại diện, chụp lookbook, quảng cáo trên tạp chí cũng rất đắt đỏ. Khi mua một chiếc áo phông hàng hiệu, bạn đồng thời còn trả cả chi phí cho việc nó xuất hiện trên Vogue.
Chỉ có sắm hàng hiệu, bạn mới được khoác lên mình những món đồ xuất hiện trên sàn diễn. |
5. Định vị thương hiệu
Năm 2014, Burberry thông báo họ sẽ tăng giá thành sản phẩm để giúp thương hiệu cao cấp hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ định hướng lại đối tượng khách hàng, giảm bớt những “thượng đế” ít giàu có. Không lâu sau đó, Mulberry lại làm cách ngược lại, đó là giảm giá thành để tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Đây là cách để các thương hiệu định vị chỗ đứng của mình. Như vậy, khi bán một chiếc áo phông, Burberry còn bán cả thương hiệu của họ. Bạn có thể vỗ ngực tự hào vì “tôi mặc một chiếc áo hàng hiếm, không phải ai cũng mua được”. Nhiều người có thể chi hàng chục triệu để mua một chiếc áo Gucci, nhưng để mặc Zara mấy trăm nghìn thì không đời nào, vì thế là giảm giá trị của họ.
Áo phông Tommy Hilfiger năm này qua năm khác không thay đổi mẫu mã nhưng vẫn đắt hàng. |
Một chiếc áo polo đặc trưng của Hermes, họ có thể tái sản xuất từ năm này qua năm khác, không mất chi phí thiết kế nhưng họ có thể tăng giá từ 500 bảng lên 700 bảng cũng vì điều này.
6. Chất lượng
Cùng là áo phông với logo đơn giản trước ngực, tại sao YSL bán đến gần 400 USD còn Zara chỉ có 15 USD? Ngoài việc sản xuất ở châu Âu với chi phí nhân công cao, chiếc áo YSL còn được làm từ 100% cotton, khác với áo 55% cotton, còn lại là polyester và các phụ gia khác. Tương tự, áo Zara cũng sẽ khác hẳn một chiếc áo “hàng chợ” không thấm hút mồ hôi, dễ bay màu, nhàu, dão…
Cùng kiểu mẫu mã, áo Saint Laurent (trái) đắt gấp hàng chục lần áo Forever21 vì chất lượng có sự khác biệt. |