Giống như nhiều tác phẩm siêu anh hùng, tập phim đánh dấu lần cuối cùng Hugh Jackman sắm vai Wolverine chứa đựng nhiều tình tiết ẩn giấu nhằm chiêu đãi cộng đồng fan ruột.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ trước nội dung bộ phim Logan
Freddy Krueger: Ngay đầu phim, ác nhân Donald Pierce (Boy Holbrook) đã chủ động tiếp cận Logan (Hugh Jackman), gửi lời thách thức cũng như bày tỏ sự hâm mộ nhất định dành cho dị nhân “người chồn”. Trong cuộc trò chuyện, hắn nhắc tới sự kiện ở bãi đỗ xe mở đầu bộ phim và mỉa mai rằng vết thương trên người nạn nhân hoặc do một con hổ xổng chuồng, hoặc do Freddy Krueger gây ra. Krueger là ác nhân đáng sợ với đôi bàn tay kéo, chuyên giết người trong cơn mơ của loạt A Nightmare on Elm Street.
Biển số xe của Wolverine: Chiếc xe sang trọng mà Logan sử dụng để chở khách nhằm kiếm sống có biển là WER112. Theo một bộ phận người hâm mộ, đó có thể là chi tiết tri ân tập truyện tranh Wolverine #112 khi nội dung của nó lấy bối cảnh dị nhân Wolverine sống ẩn dật, trốn tránh nhóm X-Men vì cảm thấy có lỗi trong sự kiện Giáo sư X cùng Magneto tạo ra thực thể đáng sợ Onslaught.
Thanh kiếm samurai: Sống ẩn dật ở vùng sa mạc biên giới Mỹ – Mexico cùng Caliban (Stephen Merchant) và Giáo sư X (Patrick Stewart), Wolverine nay trú ngụ trong một trạm cung cấp nước bị bỏ hoang. Khán giả thoáng được thấy một thanh kiếm Nhật Bản treo trên tường ở đầu phim. Đó là chi tiết gợi nhắc tới câu chuyện Wolverine chu du đến Nhật Bản ở tập phim The Wolverine (2013) cũng do chính đạo diễn James Mangold thực hiện.
Dị nhân Caliban: Trên thực tế, Caliban mới xuất hiện ở tập X-Men: Apocalypse (2016) với đất diễn hạn chế và do Tómas Lemarquis thể hiện. Trong phim, gã chạm mặt với cả nhóm X-Men lẫn ác nhân Apocalypse bởi khả năng dò kiếm dị nhân. Còn ở Logan, nhân vật nay đã già nua và do Stephen Merchant khắc họa. Thông qua lời thoại, Donald Pierce hé lộ rằng Caliban từng có thời gian làm việc cho tổ chức Alkali của mình.
Sự kiện ở tượng Nữ thần Tự do: Khi Giáo sư X chia sẻ với Logan những hình ảnh mà ông trông thấy về một dị nhân trẻ tuổi mới, ông nhắc đến sự kiện ở tượng Nữ thần Tự do nhưng nhanh chóng bị “người chồn” gạt đi khi cho rằng đó đã là “chuyện quá xa xưa”. Ở đây, Charles Xavier chắc chắn muốn gợi nhắc đến đoạn kết ác liệt của X-Men(2000) – tập phim đầu tiên mở ra thương hiệu điện ảnh bom tấn của Fox.
Nguồn gốc của X-23: Laura (Dafne Keen) được công ty Transigen tạo ra từ DNA của Wolverine nên sở hữu năng lực y như “người chồn” và thậm chí còn có móng vuốt ở chân. Đoạn phim quay bằng điện thoại của Gabriela (Elizabeth Rodriguez) cho thấy một phần thí nghiệm tạo ra Laura và họ đã đặt mã hiệu cho cô bé là X-23. Trong một cảnh phim khác, Laura tự dùng vuốt cắt da thịt để rồi tự phục hồi. Tất cả những chi tiết ám ảnh ấy đều từng xuất hiện trong nguyên tác truyện tranh Innocence Lost.
Zander Rice: Trưởng bộ phận phẫu thuật của công ty Transigen là một nhân vật phản diện của Logan và từng xuất hiện ở truyện tranh. Trong cuộc trò chuyện với Wolverine gần cuối phim, lão tiết lộ rằng cha mình từng tham gia thực hiện dự án Weapon X để tạo ra anh. Để thách thức kẻ thù, “người chồn” nói rằng mình vẫn còn nhớ Dale Rice và chính anh đã ra tay giết hại cha của Zander. Sự kiện Wolverine “xổng chuồng” và sát hại hàng loạt khoa học gia từng được đưa lên màn ảnh trong tập X-Men: Apocalypse (2016). Rất có thể Dale Rice đúng là một trong số những nạn nhân xấu số dưới móng vuốt của Wolverine khi anh phát điên.
Thẻ bài quân nhân: Chiếc thẻ bài quân nhân của Logan là thứ thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim X-Men có sự tham gia của nhân vật Wolverine. Mã số 45825243-T78-A trên thẻ ở Logan giống hệt trong tập X2 (2003). Ngoài ra, khán giả tinh mắt còn từng trông thấy nó ở tập X-Men Origins: Wolverine (2009).
Sự kiện ở Westchester: Xuyên suốt Logan, Giáo sư X tỏ ra hối tiếc bởi ông là người đã gây ra cái chết cho bảy thành viên nhóm X-Men ở Westchester khi lên cơn động kinh. Song, đạo diễn James Mangold để ngỏ chi tiết, không nói rõ ai đã thiệt mạng. Westchester thực tế là nơi tọa lạc của X Mansion, nên nhiều khả năng nhóm học trò xấu số của Giáo sư X đã thiệt mạng ở chính nhà riêng của ông. Chi tiết này rất khác so với nguyên tác. Trong truyện tranh, Logan bị Mysterio thao túng và tưởng rằng X Mansion đang bị tấn công. Anh nổi cơn tam bành và hậu quả là “người chồn” ra tay tiêu diệt chính những người đồng đội của mình.
Bộ phim Shane: Shane (1953) là tác phẩm cao bồi Viễn Tây mà Giáo sư X cùng cô bé Laura theo dõi trên TV khi cả nhóm ẩn náu trong một khách sạn ở Las Vegas. Nhân vật chính trong phim của Alan Ladd có những lời thoại ám ảnh ở cuối phim, và chúng lại được cô bé Laura sử dụng ở đoạn kết của Logan. Theo đạo diễn James Mangold, bên cạnh Shane, ông còn chịu ảnh hưởng từ Unforgiven (1992) và The Wrestler (2008) trong quá trình phát triển bộ phim dị nhân mới. Điểm chung của nhóm tác phẩm là chúng đều xoay quanh những nhân vật từng có quá khứ huy hoàng nhưng nay đã già nua, cố gắng gạt bỏ dĩ vãng nhưng vì một lý do nào đó mà không thể.
Truyện tranh X-Men: Trong thế giới của Logan, các dị nhân nhóm X-Men nổi tiếng đến nỗi được chuyển thể thành truyện tranh, dù Wolverine cho rằng tất cả đều chỉ là hư cấu và nhảm nhí. Hai tập truyện mà Logan lấy được từ túi của Laura là Uncanny X-Men #117 và #132 do nghệ sĩ Dan Panosian thực hiện. Nội dung của #117 xoay quanh quyết định cống hiến cho mối quan hệ hòa bình giữa loài người và dị nhân của Charles Xavier, còn #132 xoay quanh trận tử chiến giữa Logan và Donald Pierce.
Âm nhạc của Johnny Cash: Năm 2005, đạo diễn James Mangold thực hiện Walk the Line – tác phẩm tiểu sử nhận 5 đề cử Oscar về cuộc đời cố huyền thoại dòng nhạc đồng quê Johnny Cash. Với Logan, Mangold đã sử dụng hiệu quả bản nhạc Hurt cho teaser của bom tấn, gây ra sự tò mò và ám ảnh về mặt nội dung với người xem. Đến đoạn credits của Logan, nhà làm phim tiếp tục sử dụng một bản nhạc nổi tiếng khác của Johnny Cash là When the Man Comes Around.
Bộ râu của Logan: Toàn bộ nội dung Logan lấy cảm hứng từ loạt truyện nổi tiếng Old Man Logan. Ở cuối phim, khi Wolverine nằm ngủ say, anh bị nhóm dị nhân nhỏ tuổi trêu đùa và cắt tỉa bộ râu. Kết quả, nó trông khá giống với bộ râu của nhân vật ở loạt nguyên tác Old Man Logan, dù bản thân nhân vật trên màn ảnh không hề thích thú gì điều đó.
Nhóm dị nhân nhỏ tuổi: Giống như Laura, các em nhỏ sở hữu siêu năng lực do được Transigen tạo ra từ DNA của những dị nhân nổi tiếng. Bởi vậy, khán giả có thể thoáng trông thấy Ice Man hay Pyro “nhí” ở cuối phim. Trưởng nhóm Rictor (Jayson Genao) là một nhân vật đặc biệt bởi ở nguyên tác truyện tranh, đây vốn là một thành viên của nhóm X-Force với khả năng tạo ra động đất. Một chi tiết thú vị nữa ở cuối phim đến từ dị nhân nhí Bobby – người có khả năng phát ra điện – khi em cầm trên tay một con búp bê Wolverine có tạo hình y như nguyên tác truyện tranh.
Biểu tượng nhóm X-Men: Chữ X biểu tượng xuất hiện ở cảnh cuối cùng của Logan là điều mà bất cứ người hâm mộ nào của thương hiệu X-Men cũng nhận ra. Lần này, nó đem lại cảm giác bùi ngùi khi xuất hiện trong tình huống rất đặc biệt.
Teaser của Deadpool 2: Khán giả ở New York, Mỹ đặc biệt may mắn khi có dịp thưởng thức đoạn phim quảng cáo đầu tiên của Deadpool 2 ngay trước giờ chiếu Logan. Teaser sau đó được tài tử Ryan Reynolds chia sẻ lại trên mạng Internet. Gã lính đánh thuê thêm một lần nữa khoe khả năng “phá vỡ bức tường thứ tư”, giao tiếp với khán giả. Đoạn phim giễu nhại bom tấn Superman khi Wade Wilson vội vàng chui vào buồng điện thoại để thay đồ khi thấy có người bị cướp. Song, do không sở hữu siêu tốc độ, lúc Deadpool đến nơi thì nạn nhân đã thiệt mạng. Đoạn phim còn có sự xuất hiện của “ông trùm” truyện tranh Marvel là Stan Lee.