Tiết mục tối qua của đội mang tên “Đất thiêng” là một câu chuyện mang màu sắc huyền bí, nói về một nhóm phóng viên truyền hình gồm “quay phim” Lương Hòa, “MC” Phương Hiếu và “nhiếp ảnh” Bằng Cường đang thực hiện ký sự văn hóa ở Ninh Thuận vào đúng dịp lễ hội Katê.
Đội Giải Nhiệt (Ca sĩ Sơn Ca, ca sĩ Bằng Cường, biên đạo Lương Hòa và MC Phương Hiếu) gây ấn tượng với phong cách trẻ trung, năng động và đầy năng lượng. Lấy bối cảnh tại lễ hội Kate, trong khi 2 đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ thì anh chàng nhiếp ảnh Bằng Cường lại bị cuốn hút bởi kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp uy nghiêm của những ngôi tháp ở đây.
Trong lúc đang đi quanh những ngôi tháp để chụp ảnh, Bằng Cường đã chứng kiến một hiện tượng kì lạ: từ phía sau những bước phù điêu của 3 ngôi tháp, những vũ nữ Aspara xinh đẹp bước ra và múa những vũ khúc say đắm lòng người. Trong số các vũ nữ xinh đẹp ấy có cô nàng Sơn Ca. Vẻ đẹp thần tiên của “vũ nữ Aspara” Sơn Ca khiến cho Bằng Cường say đắm và bị cuốn hút. Anh cứ đi theo cô và chụp lại những khoảnh khắc kì lạ và huyền bí này.
Tuy nhiên, sau khi gặp lại Lương Hòa và Phương Hiếu, anh đưa máy ảnh cho cả hai xem thì những bức ảnh của anh đều biến thành một màu đen. Trong khi cả hai người bạn còn đang nghi ngờ về câu chuyện “mơ mơ thực thực” của Bằng Cường thì tiếng trống Gi Năng, Paranưng cùng tiếng kèn Saranai vang lên, báo hiệu cho lễ hội bắt đầu, 3 chàng trai hòa nhanh vào dòng người đang tưng bừng nhảy múa.
Và một điều kỳ lạ nữa xảy ra đó là trong số những chàng trai, cô gái của dân làng đang nhảy múa có một cô thôn nữ Sơn Ca xinh xắn có gương mặt y hệt “Vũ nữ Aspara” bước ra từ những tòa tháp mà Bằng Cường đã gặp lúc nãy. Câu chuyện dừng lại ở đó với một kết thúc mở hệt như…điện ảnh.
Phần dẫn chuyện của tiết mục được MC Phương Hiếu khéo léo lồng vào phần thoại của nhân vật “MC hiện trường”. Tiết mục sử dụng 3 ca khúc Apsara vũ nữ Chăm (sáng tác Amânhân), Mưa bay tháp cổ (sáng tác Trần Tiến) và Tiếng trống Paranưng (sáng tác Trần Tiến) do ca sĩ Sơn Ca và Bằng Cường thể hiện. Nhận xét về tiết mục, NSND Hà Thế Dũng cho rằng: “Màn diễn sinh động, nét văn hóa rõ nét, bố cục dung dị và dễ hiểu”. Tuy nhiên, theo giám khảo Hà Thế Dũng đội nên đảo lại thứ tự bài hát sẽ hợp lý hơn.
NSND Hà Thế Dũng cũng phát hiện ra lỗi sai của MC Phương Hiếu khi nói người dân đội chai lọ trên đầu thay vì đúng ra là đội bình đi lấy nước. BTV Quỳnh Hoa cũng nhận xét sự nhầm lẫn này xuất phát từ việc Phương Hiếu nói quá dài và nhiều. Én đồng 2008 Phương Hiếu lý giải anh bắt buộc phải nói nhiều để “câu giờ” cho Sơn Ca và các vũ công kịp thay đồ khi hóa thân vào nhiều vai diễn.
Giám khảo Thanh Hằng nhận xét tiết mục có sự thay đổi, lạ, huyền bí nhưng theo chị lúc cô vũ nữ Aspara xuất hiện, anh “nhiếp ảnh” Bằng Cường nên đi theo cô thì tình cảm hơn. Đúng ra kịch bản là như thế, song lúc lên diễn, Bằng Cường đã không đi theo Sơn Ca mà ngược lại, nữ ca sĩ phải “diễn” cảnh mê hoặc và đi theo anh. Bằng Cường ngại ngùng giải thích: “Do không thuộc lời nên Bằng Cường chỉ diễn đi theo Sơn Ca 1 chút còn lại tập trung nhớ lời bài hát. Thực hiện phương châm thanh niên nghiêm túc, không được giật mình trước gái đẹp”. Lời lý giải thiệt tình và dễ thương của Bằng Cường khiến cho các giám khảo phì cười.
Video clip tiết mục Đất thiêng
Trong đêm thi, Đội Hai Lúa gồm ca sĩ Dương Hồng Loan, ca sĩ Quang Đại, biên đạo Vĩnh Khương và MC Minh Toàn thể hiện tiết mục “Đá đơm bông”, với câu chuyện bình dị của những người lao động thôn quê. Đội Mộc gồm ca sĩ Lê Phương, Trung Kiên, biên đạo Nam Long và MC Đỗ Phương Thảo thể hiện tiết mục “Miền đất phúc” nói về tình đất tình người. Đội Phương Nam gồm NSƯT Trọng Phúc, ca sĩ Trung Hậu, MC Tú Trinh và biên đạo Trung Thảo gây ấn tượng với tiết mục lịch sử “Oai hùng đất Việt”.
Tập 5 của chương trình Ngôi sao phương Nam khép lại với số điểm của các đội vẫn còn được giữ bí mật chưa được công bố. Chương trình do Đài Truyền hình Vĩnh Long và công ty Truyền thông Khang phối hợp sản xuất. Dẫn chương trình là MC Đại Nghĩa.
Tài Trần