Phim truyền hình Việt hoàn toàn có thể chinh phục khán giả nước nhà, giành ưu thế trước các drama Hàn trên màn ảnh nhỏ nếu thay đổi 5 điểm yếu này.
1. Đề tài chưa phong phú, gần gũi với giới trẻ
Mảng truyền hình của các quốc gia châu Á rất phát triển với loạt đề tài đa dạng, đặc biệt là phim Hàn. Các biên kịch nước bạn chịu khó thay đổi gia vị cho các drama từ học đường, lãng mạn, tâm lý gia đình cho đến phá án, siêu nhiên, kỳ ảo, cổ trang… Trong khi đó, phim truyền hình Việt vẫn chủ yếu xoay quanh các đề tài quen thuộc là đời sống nông thôn, xung đột thế hệ, cảnh sát hình sự, hôn nhân gia đình, tâm lý xã hội.
Cảnh sát hình sự với các chuyên án ma tuý, tham nhũng là “sở trường” của phim truyền hình Việt. |
Vì hướng tới đối tượng khán giả lớn tuổi, các bà nội trợ nên phim Việt chưa thực sự được đầu tư mảng đề tài dành cho giới trẻ. Những bộ phim tình cảm – lãng mạn vẫn còn quanh quẩn ở motif tình tay 3, Lọ Lem – Hoàng tử khá cũ. Đây cũng là nguyên nhân khiến người trẻ Việt tìm đến các drama Hàn nhiều hơn là xem phim trong nước.
Thời gian gần đây phim truyền hình Việt đã chú trọng hơn đến khán giả trẻ tuổi, xuất xưởng nhiều bộ phim tình cảm như Tuổi thanh xuân, Zippo Mù tạt và em, Bạch Mã hoàng tử… Tuy nhận được sự quan tâm lớn của người xem nhưng những bộ phim này vẫn chưa thực sự đổi mới nội dung, còn bị ảnh hưởng nhiều bởi phim Hàn.
2. Dàn diễn viên thiếu những gương mặt trẻ tuổi mới
Phim truyền hình Việt có một thiệt thòi là chưa sở hữu lớp diễn viên trẻ tiềm năng. “Làm chủ” dòng phim tình cảm, tâm lý trên sóng truyền hình hiện nay là nhóm diễn viên có nhiều năm kinh nghiệm, độ tuổi không còn quá trẻ.
Có thể kể đến những diễn viên quen mặt với khán giả màn ảnh nhỏ như Hồng Đăng, Lã Thanh Huyền, Minh Phương, Thanh Vân, Mạnh Trường, Việt Anh. Đây cũng là những cái tên mà các đạo diễn nhắm đến khi tìm vai chính cho các bộ phim dài tập.
Dàn diễn viên trẻ đang được yêu thích có thể kể đến Nhã Phương, Anh Tuấn, Bình An, Diễm My 9x, thường xuyên xuất hiện trong các phim truyền hình giành cho giới trẻ. Những sao trẻ có ngoại hình, thực lực khác như Miu Lê, B Trần, Angela Phương Trinh, Midu, Harry Lu lại chủ yếu tập trung mảng phim điện ảnh. Để thu hút khán giả tuổi teen với các dự án truyền hình, cần có thêm nhiều gương mặt mới trẻ trung, diễn xuất tốt.
3. Phong cách thời trang kém hấp dẫn
Các drama Hàn được yêu thích toàn châu Á không chỉ vì diễn viên đẹp, nội dung hấp dẫn, cảnh quay nên thơ mà còn bởi quần áo trên phim luôn được chăm chút long lanh. Nhân vật phim Hàn dù nhà nghèo rớt mồng tơi vẫn được ăn mặc chỉn chu, quan trọng nhất là style rất hợp mốt, phù hợp xu hướng giới trẻ. Nhiều ngôi sao còn trở thành biểu tượng thời trang, lăng xê các trào lưu hot sau khi phim lên sóng.
Phim Việt lại chưa thật sự coi trọng mảng trang phục. Hầu hết nhân vật chính có gu ăn mặc giản dị, thậm chí lỗi mốt. Cách xây dựng phong cách từng nhân vật còn bị rập khuôn, ví dụ cô gái nghèo hiền lành thì suốt ngày chỉ được mặc áo phông, sơ mi kẻ caro, quần jean còn các nàng nổi loạn, ghê gớm thì mặc váy bó, đi giày cao gót kể cả khi ở nhà.
Zippo, Mù tạt và em tuy là bộ phim gây bão, được khán giả trẻ quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được “phần nhìn” ấn tượng. Nhân vật Lam của Lã Thanh Huyền dù là một cô gái thành đạt, trẻ trung nhưng gu thời trang khá quê mùa, thường chọn đồ tố cáo nhược điểm cơ thể.
4. Lời thoại xa rời thực tế
Lời thoại phim Việt từ xưa đến nay luôn là “vấn nạn” khó thay đổi. Thậm chí cách đối thoại trong phim còn trở thành chi tiết gây hài trong các clip chế. Dễ thấy nhất là cách nói chuyện đặc sệt văn viết, không gần gũi thực tế. Côn đồ, tội phạm kể cả khi nổi nóng vẫn có cách dùng từ rất “hiền”. Các thành viên trong gia đình nói chuyện với nhau một cách khách sáo, lịch sự. Những cặp đôi yêu nhau thì lại có lời thoại quá “sến sẩm”. Nhiều câu giao tiếp trên phim không thể tìm thấy ở đời thực.
Lý do một phần của việc thoại cứng là phim truyền hình Việt chưa có đủ kỹ thuật để quay thu tiếng trực tiếp. Hầu hết các phim đều phải lồng tiếng nên lời thoại đã bớt nhiều phần tự nhiên.
5. Quảng cáo thô
Quảng cáo thương hiệu là điều không hề lạ lẫm với phim truyền hình của bất kỳ nước nào. Tuy nhiên phim Việt lại đang mắc lỗi quảng cáo kém tinh tế, làm khán giả khó chịu. Tuổi thanh xuân 2 bị “ném đá” vì liên tục quảng cáo lộ liễu như quay cận cảnh nhãn hàng, để nhân vật đọc công năng hoặc khen ngợi sản phẩm dài hơn một phút. So với các vấn đề kịch bản, diễn viên, lời thoại, đây là nhược điểm dễ khắc phục hơn cả.