Danh hài Bảo Quốc: Để Chuông vàng thật sự là vàng

Giải Chuông vàng vọng cổ 2018 do Đài Truyền hình TP HCM tổ chức đã đi được 1/3 chặng đường. 36 thí sinh được chọn vào vòng thi tiếp theo. Danh hài Bảo Quốc có những chia sẻ về cuộc thi này.

Danh hài Bảo Quốc – Để Chuông vàng thật sự là vàng - Ảnh 1.

Danh hài Bảo Quốc và NSƯT Hồ Ngọc Trinh – giải Chuông bạc vọng cổ 2006

Theo danh hài Bảo Quốc, 5 năm qua, các thí sinh đoạt giải cao trong vòng chung kết xếp hạng đã không tìm được đất để ngân vang lời vọng cổ đã được đóng dấu thương hiệu vàng. “Nếu không có chương trình “Ngân mãi chuông vàng” và “Vầng trăng cổ nhạc” thì các em phải tự “bơi” để tìm đất sống trong khi TP HCM vẫn có đủ điều kiện để nuôi dưỡng lực lượng này. Đừng để các em phải đi hát đình, hát miễu, hát quán bia vọng cổ, làm hư chất giọng và ảnh hưởng đến uy tín của cuộc thi” – danh hài ưu tư.

Danh hài Bảo Quốc – Để Chuông vàng thật sự là vàng - Ảnh 2.

2 HCV giải Thanh Tâm: Bảo Quốc và Bo Bo Hoàng

Là dân cải lương chính gốc, sinh ra trong gia tộc Thanh Minh, Thanh Nga, một thương hiệu có đến 68 năm hình thành và phát triển, danh hài Bảo Quốc đã đoạt HCV giải Thanh Tâm năm 1967. Người chị lớn thứ ba trong gia đình là cố NSƯT Thanh Nga đoạt giải HCV Thanh Tâm đầu tiên khi giải thưởng này khởi động vào năm 1958. Do đó, ông luôn theo dõi bước chân của các diễn viên xuất thân từ cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”.

Ông đau xót nói rằng khi sàn diễn cải lương bị thu hẹp nhiều năm qua, ngay cả nghệ sĩ chuyên nghiệp còn lao đao tự tìm lấy đất sống cho nghề thì các thí sinh đoạt giải chuông vàng, chuông bạc và các giải thưởng cao trong vòng chung kết xếp hạng cũng không tránh khỏi con đường tự thân vận động để tìm chỗ đứng.

Danh hài Bảo Quốc – Để Chuông vàng thật sự là vàng - Ảnh 3.

Danh hài Bảo Quốc và NSƯT Trường Sơn

“Sau khi đoạt giải chuông bạc 2007, thí sinh Lê Văn Gàn từ một anh chạy xe ôm bỗng trở thành thần tượng của nhiều khán thính giả mê bài vọng cổ. Chất giọng trầm ấm, vút nhẹ câu ca khi xuống xề, gợi khán giả nhớ về cách ca vọng cổ đầy ma thuật và điêu luyện của “Hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài. Lê Văn Gàn ít có vai diễn hay trên sân khấu, chủ yếu vẫn đi ca quán. Nghe xót xa quá”.

Danh hài đã từng nghe nhiều bạn tâm sự rằng rất mong có được một sàn diễn để thi thố tài năng, ông nói: “Giá cát sê hát quán nghệ sĩ lương tối thiểu từ 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/buổi diễn. Các nhà hàng, quán bia có đám tiệc, yêu cầu các diễn viên của giải chuông vàng, chuông bạc đến ca, có khi được bồ dưỡng 5-8 triệu đồng/buổi. Nhưng bù lại là phải ca liên tục và uống bia với khách. Điều này sẽ làm hư hơi ca, vì ngày nào cũng uống thì men gan chịu sao thấu” – danh hài phân tích.

 
Danh hài Bảo Quốc – Để Chuông vàng thật sự là vàng - Ảnh 4.

Danh hài Bảo Quốc và NSƯT Minh Phụng

Ông góp ý thẳng thắn rằng chương trình “Ngân mãi chuông vàng” rất cần được liên kết với các đơn vị xã hội hóa, trước khi được trực tiếp sẽ diễn phục vụ công chúng tại rạp. Có sàn diễn sẽ có sự cọ xát, sau vài suất diễn sẽ được truyền hình. “Để tăng thêm yếu tố hấp dẫn, cần có dàn nghệ sĩ ngôi sao yểm trợ cho các diễn viên của “Chuông vàng vọng cổ”, một mặt giữ được thời lượng diễn tại sân khấu, một mặt có sự đồng hành sẽ là một hướng đi mới để chuông vàng thật sự ngân xa” – danh hài Bảo Quốc chân thành chia sẻ.

Qua 13 năm tổ chức, bước vào năm 2018, cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” của HTV đã góp phần trả lại sự chuẩn mực cho bài vọng cổ. Yếu tố con người quyết định tất cả những cải tiến. Sự xuất hiện của cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” mỗi năm với cách tổ chức, chấm thi, góp ý của hội đồng và sự chăm chút của ban huấn luyện đã vực dậy hoạt động biểu diễn. Danh hài Bảo Quốc nhấn mạnh: “Tôi cho rằng những chuẩn mực đó cần giữ gìn và cụ thể nhất là những hạt nhân nồng cốt đoạt giải cao từ những mùa giải vừa qua. Giữ làm sao để các em ý thức việc mưu sinh nhưng không bất chấp tất cả để hư nghề và ảnh hưởng đến uy tín của giải”.

( Theo Thanh Hiệp – Người Lao Động)

 

Categories: Ngôi sao

Tags:

Comments are closed