Chuyện đời và chuyện nghề của nghệ sĩ cải lương Ngô Ngọc Thật – học trò NSƯT Kim Tử Long khiến mọi người không kìm được nước mắt.
Ngô Ngọc Thật trong chương trình Đường đến danh ca vọng cổ 2016
Ngô Ngọc Thật được đông đảo khán giả biết tới sau khi được NSƯT Kim Tử Long lựa chọn vào đội của mình trong chương trình Đường đến danh ca vọng cổ 2016. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi tự mình nỗ lực vươn lên làm học trò của NSƯT Kim Tử Long, Ngô Ngọc Thật đã từng đau khổ, tuyệt vọng tới mức chỉ ước chết đi cho xong.
Câu chuyện về nghị lực vươn lên khỏi nghịch cảnh và đam mê nghệ thuật cải lương chân chính của Ngô Ngọc Thật khiến ai cũng phải rơi nước mắt.
Ngô Ngọc Thật và NSƯT Kim Tử Long
Ngô Ngọc Thật bén duyên sân khấu cải lương khi tròn 17 tuổi. Anh là chàng nghệ sĩ đa tài khi còn có thể hát tốt chèo, xẩm, ca trù… Tài năng nở sớm, Ngô Ngọc Thật được các cô chú, anh chị tiền bối trong các đoàn cải lương miền Tây chỉ dạy tận tình. Những tưởng với ngoại hình sáng cùng tài năng nổi trội, Ngô Ngọc Thật sẽ sớm tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu cải lương thì tai họa bất ngờ ập tới.
Năm 2007, anh gặp một tai nạn trên sân khấu khiến một cánh tay phải cắt đi còn cánh tay còn lại cũng trở thành tàn phế. Trở thành người khuyết tật nhưng Ngọc Thật vẫn không đầu hàng số phận. Anh chăm chỉ học hành và thi đậu vào trường Cao đẳng phát thanh truyền hình II. Việc này chính là tia sáng mới trong cuộc đời tăm tối của Ngọc Thật.
Câu chuyện về nghị lực vươn lên khỏi nghịch cảnh và đam mê nghệ thuật cải lương chân chính của Ngô Ngọc Thật khiến ai cũng phải rơi nước mắt.
Nhưng rồi số phận lại trêu người, dập tắt tia sáng chỉ mới le lói đó của Ngọc Thật. Anh cầm tấm bằng tốt nghiệp đi xin việc khắp các cơ quan, công ty, xí nghiệp nhưng đều bị từ chối vì là người khuyết tật. Nam nghệ sĩ tâm sự về khoảng thời gian bị lâm vào đường cùng phải trở về quê sau nhiều cố gắng nhưng đều thành vô ích:
“Tôi phải đối diện với gia đình, người thân, xóm giềng bởi khi ra đi thì lành lặn, giờ trở về thì bị khuyết tật, hình hài không còn như xưa. Lúc đó, tôi thấy mình giống như người thừa thãi của xã hội và là gánh nặng của gia đình. Cuộc sống từng ngày trôi qua và tinh thần của tôi càng ngàng càng xuống thấp, chán nản, tuyệt vọng chỉ muốn chết đi cho xong.”
Nhưng rồi chính cha của Ngọc Thật đã sinh ra anh một lần nữa khi giúp anh tỉnh giấc khỏi những cơn say triền miên vì tuyệt vọng: “Điều giúp tôi đứng lên và quyết định làm lại cuộc đời không ai khác chính là hình ảnh người bố của tôi. Vào tháng 9, 10 gì đó, miền Tây bước vào mùa thu hoạch lúa. Ở miền Tây những tháng này trời rất nắng nóng. Trong lúc đó, tôi không phụ được gì cho gia đình mà chỉ biết chìm vào trong men say, chỉ mong sao uống nhiều vào để say rồi ngủ cho qua ngày đoạn tháng. Cứ thế ngày này qua ngày khác. Bỗng một hôm khi bố từ ngoài đồng thu hoạch lúa về, tôi vô tình thấy bố mình tuổi cao không nhấc bao lúa lên vai nổi, trong khi mình thanh niên trai tráng lại không phụ giúp được gì. Tôi đã cảm thấy vô cùng có lỗi với bố và gia đình.”
Lúc này, Ngô Ngọc Thật cũng ngộ ra rằng “nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề”, anh mong được tiếp tục đứng trên sân khấu để cống hiến cho khán giả bằng giọng hát được cất lên từ trái tim. Chàng trai khuyết tật một lần nữa khăn gói lên Sài Gòn lập nghiệp.
Nỗ lực không ngừng nghỉ cùng với tài năng và may mắn, Ngô Ngọc Thật đã gặt hái được thành công đầu tiên. Anh cùng CLB ĐCTT Thành Mỹ Lợi – Quận 2 đạt giải khuyến khích hội thi ĐCTT Hội ngộ phương Nam toàn quốc. Sau đó, Ngô Ngọc Thật tiếp tục khẳng định được tài năng của mình khi trở thành học trò của NSƯT Kim Tử Long. Anh đã xuất sắc dừng ở Top 10 chung cuộc chương trình Đường đến danh ca vọng cổ.
Ngô Ngọc Thật hạnh phúc chia sẻ: “Sau cuộc thi Đường đến danh ca vọng cổ 2016, tôi cảm thấy yêu bản thân mình, tự tin và cố gắng từng ngày sống tốt hơn, muốn làm những gì có ích để cống hiến cho đời và cho xã hội.”
Tuy nhiên, Ngọc Thật cũng ngậm ngùi tâm sự về khó khăn của người nghệ sĩ khuyết tật nơi Sài Gòn phồn hoa: “Hiện tại, tôi phải tự một mình bươn chải ở Sài Gòn với lòng yêu nghề muốn đem những gì tinh hoa của nghệ thuật cải lương dành tặng cho khán giả.
Hiện nay, vì cải lương đang xuống cấp trầm trọng, khán không còn thị hiếu với cải lương nữa vì có rất nhiều loại hình nghệ thuật và game show khác. Cải lương và một số loại hình nghệ thuật khác đang mất dần khác giả. Không chỉ tôi mà tình hình chung là các nghệ sỹ cải lương ở Việt nam bây giờ đều rất khó khăn. Nói chung, giờ tôi đi hát chỉ là đam mê thôi chứ lấy cải lương để nuôi sống bản thân thì rất khó. Nghệ sĩ cải lương vốn đã rất khó khăn, tôi lại là người khuyết tật bị người ta khinh miệt, kỳ thị, phân biệt đối xử nên lại càng khó khăn hơn nữa.”
Ngô Ngọc Thật biểu diễn trên sân khấu
Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng Ngọc Thật vẫn quyết tâm không từ bỏ đam mê nghệ thuật cải lương cũng như không chịu đầu hàng số phận. Anh cho biết năm 2019 sẽ là một năm thử thách đối với anh. Bởi anh sẽ cố gắng đi hát, đi diễn để mong tương lai có thể ra Album nhạc Bolero và Tân cổ cải lương cùng những trích đoạn cải lương hay để cống hiến cho khán giả.
Ngô Ngọc Thật còn tập trung phát triển các thể loại chèo, ca trù, xẩm hơn nữa trong năm nay. Dù đều là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam nhưng cách hát, biểu diễn của mỗi loại hình này đều có sự khác biệt. Khi diễn người nghệ sĩ không chỉ phải có giọng hát mà còn phải am hiểu tinh hoa, đặc trưng nghệ thuật và lịch sử của từng loại.
Ngô Ngọc Thật biểu diễn trong một chương trình thiện nguyện
Tuy nhiên, Ngô Ngọc Thật đã mang nặng lòng yêu thích với những loại hình âm nhạc cổ truyền và mong muốn đưa chúng tới gần hơn với khán giả. Anh nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân nhằm thể hiện tốt cả chèo, ca trù, xẩm trên sân khấu.
Ngọc Thật cũng không quên nhắn nhủ tới những người có số phận không may như mình: “Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, thân phận nào, chúng ta cũng phải biết đứng lên khi chúng ta vấp ngã. Vì cuộc đời này còn rất nhiều điều thú vị, vì cuộc sống là một trang sách mà ta đã đọc và hiểu những gì ta cần để qua trang mới. Nếu còn cơ hội để sống trên xã hội này, hãy sống hết mình, sống có ích. Không cần biết ngày mai ra sao, ta vẫn sống và sống đến hơi thở cuối cùng.”
Ken Ken