Sáng 21/2, tôi nhận được cuộc gọi điện của đồng nghiệp báo tin đạo diễn – NSND Huỳnh Nga qua đời, hưởng thọ 87 tuổi. Dẫu biết “sinh lão bệnh tử” là quy luật của cuộc đời nhưng sự ra đi của ông đã để lại niềm thương tiếc cho giới nghệ sĩ và đông đảo khán giả hâm mộ…
Tôi có may mắn được gặp và trò chuyện nhiều lần với đạo diễn – NSND Huỳnh Nga, từ cái thời tôi còn là cậu sinh viên thực tập nhưng đã vinh dự được ông dành cho một cuộc phỏng vấn chuyên mục Thời đi học của người nổi tiếng. Tôi nhớ rất rõ lần gặp ấy, ông cười thật tươi và bảo: “Tôi đã trả lời phỏng vấn hàng ngàn bài báo, nhưng cậu là người đầu tiên hỏi tôi về thời đi học. Đây là cái thời có rất nhiều kỷ niệm mà tôi không bao giờ có thể quên trong cuộc đời của mình…”. Và ông đã say sưa về cho tôi nghe về thời ông đi học…Với tôi, bài báo ấy cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong quãng đời làm báo của mình!
Đạo diễn – NSND Huỳnh Nga
Có thể nói, những tác phẩm do NSND Huỳnh Nga đạo diễn đã trở thành kinh điển như: Đời cô Lựu, Tấm Cám, Khách sạn hào hoa, Người giữ mộ, Gánh cỏ sông Hàn, Tiếng sáo đem trăng, Hoa độc trong vườn… Ngoài sáng tạo nghệ thuật, NSND Huỳnh Nga cũng là người thầy có tiếng, trực tiếp đào tạo hàng trăm học trò trong bộ môn nghệ thuật cải lương, kịch nói. Trong đó có Diệp Lang, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Tuấn, Giang Châu, Hoài Thanh, Tuấn Thanh, Ngọc Bích, Thanh Sang…
Cảnh trong vở Đời cô Lựu của đạo diễn – NSND Huỳnh Nga
Theo Tiến sĩ – NSND Bạch Tuyết, cùng với “Đời cô Lựu”, những tác phẩm của ông đã tạo vị trí lớn mạnh cho sân khấu cải lương thời hoàng kim, mà Đời cô Lựu là tác phẩm đỉnh cao của sân khấu cải lương Việt Nam. Vở diễn mang tính nhân văn sâu sắc này đã để lại nhiều ấn tượng đẹp và hầu hết các nghệ sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ tham gia đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND, như: Viễn Châu, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Thanh Hải, Thanh Tòng… Chúng tôi rất trân trọng tài năng của anh Huỳnh Nga”.
Đạo diễn – NSND Huỳnh Nga trong đêm vinh danh “Phong trần theo nghiệp Tổ”
NSND Huỳnh Nga cũng từng kể: “Vở Đời cô Lựu tôi dàn dựng cho Đoàn cải lương 2-84 diễn ở Nhà hát Thành phố vào năm 1984. Tôi nhớ, lúc đó Ngọc Giàu cũng là một tên tuổi để bán vé của cải lương nhưng khi mời tham gia vở diễn này lại vào vai Sáu – một người giúp việc – nên ai cũng thấy ngại không dám nói với Ngọc Giàu. Thế nhưng, khi Ngọc Giàu được mời tham gia tập luyện cho vở Đời cô Lựu, chị lại làm việc rất nhiệt tình. Tôi còn nhớ, lúc đầu tập, dự tính đưa động tác chân của cô Sáu có tật, nhưng nghĩ lại thì hình ảnh của nhân vật trên sân khấu không đẹp, không hay, cho nên mới chuyển sang tay bị tật. Vậy mà Ngọc Giàu rất tinh ý, làm động tác cái tay cán vá rất có duyên và rồi chuyển nhân vật này thành Bảy Cán Vá chứ không theo tên lúc đầu là Sáu nữa. Bảy Cán Vá là nhân vật do chính Ngọc Giàu “đẻ” ra trong Đời cô Lựu chứ không phải của tác giả, đạo diễn. Từ trường hợp của Ngọc Giàu, tôi nghĩ, trong mỗi vở diễn không có bất kỳ vai diễn nào nhỏ mà vấn đề là tài năng của mỗi nghệ sĩ thể hiện nhân vật mà thôi…”
Ông ra đi nhưng tôi luôn tin rằng, cho dù có đi qua bao nhiêu năm nữa, mỗi lần xem Đời cô Lựu, Tấm Cám, Khách sạn hào hoa, khán giả sẽ nhớ về ông với những tình cảm trân trọng nhất. Khán giả luôn cảm nhận được tài nghệ dài dựng tuyệt vời trong các tác phẩm mà ông đã để lại cho nền cải lương Việt Nam
Vĩnh biệt ông, người nghệ sĩ tài hoa!
Anh Khoa