Đạo diễn ‘Kong: Skull Island’: Từ tình yêu điện ảnh đến mối duyên Việt Nam

Nhờ bom tấn 190 triệu USD về Kong, nhà làm phim Jordan Vogt-Roberts đã đem lòng yêu Việt Nam tới mức dự định chuyển sang đây sống.

Vogt-Roberts là một con nghiện phim, như chính anh thừa nhận khi vuốt ve bộ râu rậm của mình: “Bạn hãy hỏi bất kỳ cô bạn gái cũ của tôi mà xem, tôi luôn đắm chìm trong phim mỗi khi đặt chân vào rạp. Tới mức tôi còn chẳng buồn cạo râu bởi nó có vẻ phiền phức quá”.

Tuy vậy, hồ sơ của Vogt-Roberts cho tới trước Kong: Skull Island mới chỉ có duy nhất một phim truyện là The Kings of Summer (2013). Bộ phim độc lập này kể về ba thiếu niên quyết định dành riêng một mùa hè để xây nhà trong rừng và sống một cuộc sống tách biệt với bên ngoài. The Kings of Summer được khởi chiếu tại Liên hoan phim độc lập Sundance và gây chú ý khi lọt vào danh sách đề cử của hội đồng giám khảo.

Khi ra rạp rộng rãi hơn, bộ phim cũng chỉ thu về 1,3 triệu USD. Nhưng Vogt-Roberts vẫn được trang Complex bình chọn vào danh sách “Những đạo diễn U35 đáng chú ý” thời điểm 2013. Hai năm sau, anh được hãng Legendary tiếp cận và hy vọng anh không trở thành một “Josh Trank mới” (thành công với phim độc lập nhưng thảm bại với Fantastic Four). Dù xuất thân là một đạo diễn phim độc lập, Vogt-Roberts vẫn hào hứng với ý tưởng làm ra một bom tấn giải trí.

dao-dien-kong-skull-island-tu-tinh-yeu-dien-anh-den-moi-duyen-viet-nam

Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts ở TP HCM ngày 11/3. Ảnh: Mai Nhật.

Anh từng chia sẻ với trang Vulture: “Trước khi khám phá ra dòng phim nghệ thuật, phim nước ngoài hay tìm hiểu lịch sử điện ảnh, tôi đã lớn lên cùng những phim như Star Wars, Indiana Jones, Back to the Future, Die Hard hay Alien… Tôi tin rằng những phim bom tấn vẫn có thể là những tác phẩm chất lượng. Nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người quan tâm tới Snapchat, Instagram hơn là sức mạnh của một bộ phim. Điện ảnh giống như một thứ tôn giáo đối với tôi và thực tại khiến tôi thấy buồn. Đó là lý do tôi muốn làm ra một bộ phim khiến khán giả muốn tới rạp thay vì ở nhà xem Netflix. Tôi muốn làm ra một bộ phim khiến người xem thích thú và những đứa trẻ muốn trở thành nhà làm phim”.

Theo tờ Los Angeles Times, một trong những bộ phim đầu tiên mà Vogt-Roberts thực hiện khi còn nhỏ là Dogzilla, trong đó anh quay lại cảnh chú chó của mình tấn công một thành phố do anh tự sắp bằng những viên gạch. Khoảng hai chục năm sau, hãng Legendary và Warner Bros trao cho Vogt-Roberts cơ hội làm một phim quái vật thực thụ với dự án King Kong. Ban đầu, anh suýt nữa từ chối bởi nhà sản xuất muốn bối cảnh phim được đặt vào thời Thế chiến thứ nhất.

Anh chia sẻ: “Họ đưa cho tôi một kịch bản có bối cảnh năm 1917. Tôi trả lời: ‘Tôi cực kỳ hứng thú với dự án này nhưng có lẽ nó không hợp với tôi’. Thế rồi họ cho tôi một kỳ nghỉ cuối tuần để mường tượng về hướng đi của bộ phim mà tôi muốn”.

Thế rồi dịp cuối tuần đó, Vogt-Roberts đã hình dung được con đường của Kong: Skull Island với niềm cảm hứng là hai bộ phim kinh điển về chiến tranh Việt Nam: Apocalypse Now (1979) và Platoon (1986). Anh hồi tưởng trên tờ Los Angeles Times: “Tôi tưởng tượng tới một bầu trời rực đỏ, với những chiếc trực thăng Huey lướt trên những cánh rừng trong tiếng guitar của Jimi Hendrix. Thế rồi một bàn tay khổng lồ vươn lên và đập tan một chiếc trực thăng… Tôi chưa bao giờ xem một cảnh phim nào như thế trước đó cả”.

Khi thuật lại ý tưởng đưa Kong: Skull Island về thời điểm quân đội Mỹ đang rút khỏi Việt Nam, Vogt- Roberts đã bất ngờ khi các nhà sản xuất đồng ý. Phó giám đốc sản xuất Alex Garcia của hãng Legendary tỏ ra hào hứng với đề xuất này: “Ý tưởng đưa một quái vật khổng lồ vào thập niên 1970 thực sự rất độc đáo. Hãy tưởng tượng một đoàn thám hiểm vừa trải qua những cuộc xung đột kinh hoàng và giờ lại phải tiếp tục bước vào một cuộc hành trình thậm chí còn nguy hiểm hơn”.

Kong: Skull Island đã được hình thành như thế. Jordan Vogt-Roberts đặt chân tới Việt Nam và nhanh chóng bị cảnh sắc của mảnh đất hình chữ S chinh phục. Tình yêu với điện ảnh đã dẫn lối cho anh tới một tình yêu khác, như chính vị đạo diễn này chia sẻ với VnExpress: “Sau suốt một năm đi khảo sát bối cảnh và làm Kong: Skull Island, tôi đã trót yêu phong cảnh, con người, văn hóa, ẩm thực hay mọi thứ ở đây. Việt Nam là niềm cảm hứng lớn giúp tôi vượt qua rất nhiều mệt mỏi và áp lực trong quá trình thực hiện bom tấn này. Ở đây, tôi thấy tìm cảm nồng hậu và được sống như ở một tổ ấm”.

Nhờ việc giới thiệu cảnh sắc Ninh Bình, vịnh Hạ Long hay Quảng Bình… tới khán giả thế giới qua bom tấn Kong: Skull Island, Vogt-Roberts đã trở thành tân đại sứ du lịch của Việt Nam. Anh cho biết đã rao bán nhà tại Los Angeles và sẽ chuyển tới sinh sống tại TP HCM trong tương lai không xa. Kong: Skull Island cũng không phải điểm dừng mà mới chỉ là sự khởi đầu của anh, khi đạo diễn này đang ấp ủ kế hoạch tiếp tục giới thiệu Việt Nam tới bạn bè quốc tế qua những dự án của mình. Vogt-Roberts dự định bay qua lại giữa Mỹ và Việt Nam trong thời gian tới.

Vài năm trở lại đây, các hãng phim lớn bất ngờ có xu hướng lựa chọn những đạo diễn trẻ nổi lên từ dòng phim độc lập để thực hiện những bom tấn. Ví dụ tiêu biểu của thành công là Colin Trevorrow (phim Jurassic World – doanh thu 1,7 tỷ USD) và Gareth Edwards (phim Godzilla doanh thu 529 triệu USD, Star Wars: Rogue One thắng lớn với 1 tỷ USD). Hãng Legendary hẳn cũng hy vọng đạo diễn Jordan Vogt-Roberts sẽ trở thành một Trevorrow hay Edwards mới khi giao cho anh cầm cương dự án trị giá 190 triệu USD Kong: Skull Island.

Hiện anh đã được chọn để làm đạo diễn cho bộ phim Metal Gear Solid, chuyển thể từ tựa game cùng tên nổi tiếng. Theo Yahoo Movies, Vogt-Roberts tự tin rằng anh sẽ tránh được những sai lầm của các phim chuyển thể từ game và làm ra một sản phẩm được đón nhận. Anh khẳng định mình có thể làm từ phim độc lập tới những dự án bom tấn giải trí. “Khi bạn có bằng lái xe thì bạn cũng có thể lái xe tải, xe đua hay một chiếc máy cày. Hình thức là khác nhau nhưng nguyên lý thì vẫn là vậy. Dù quy mô có khác nhau đến thế nào thì điện ảnh cơ bản vẫn là kể một câu chuyện”, Vogt-Roberts nói.

 

( Theo VNE)

Categories: Sao cinema

Comments are closed