Hẹn gặp Mạc Can qua điện thoại, ông lí nhí: “Cứ ra 81 Trần Quốc Thảo rồi nói nhé, đang chạy xe không nghe được gì”. Quả nhiên đúng 8 giờ sáng hôm sau, một ông cụ dáng rất nghệ sĩ, đi khó nhọc từng bước vào cái quán cà phê.
Qua ánh mắt ngơ ngác đầy lo lắng, ông bảo: “Ngồi chi mà sang dữ vậy. Chỗ này mắc lắm mà cũng không hợp với tôi”. Nếu là dân Sài Gòn chính hiệu, nhất là giới làm nghệ thuật ai cũng phải biết về Mạc Can, một người đàn ông hằn lên khuôn mặt sự khắc khổ nhưng nụ cười hiền khiến người đối diện nhớ lâu. 73 tuổi nhưng ai hỏi Mạc Can luôn tỉnh bơ tếu táo: “Tôi mới 37 thôi”.
Mạc Can tự nhận mình nghèo nhưng chưa một lần than thở. Ông bảo, lúc sinh thời cha dạy 3 điều sẽ khắc cốt nhớ đến già, đó là: Không than thở. Không nói láo. Không hại ai.
Chủ nợ thứ thiệt dù túi không tiền!
Lâu mới gặp lại, hỏi đùa ông: “Dạo này đã hết nghèo chưa?, ông cười hiền đáp: “Sao biết tôi vẫn nghèo. Tiền tôi có những tại bị thiếu thôi”. Rồi ông ”khai” hãng phim đang thiếu tiền cát xê nửa năm vẫn chưa chịu trả mà ông vì nghĩ họ làm ăn thua lỗ nên không dám đi đòi. Vì cuộc sống mưu sinh, Mạc Can rất tích cực viết chuyện ngắn đăng báo nhưng tiền nhuận bút không chỉ bèo mà đôi khi báo A trả rồi nhưng báo B đợi hoài chưa thấy người ta kêu lãnh nhuận bút. Nhiều lúc kẹt nhưng không biết làm sao.
Ngay cả ông bạn Nguyễn Đông Thức với câu chuyện “Ma bệnh viện”, viết xong nhưng thấy vẫn còn ngắn liền rủ rê, xúi giục, bắt ép Mạc Can viết phần 2. Thế là “Ma gánh hát” ra đời cho đủ cuốn sách.
Mạc Can 73 tuổi nhưng vẫn giữ nụ cười 37. |
Viết giúp bạn là vậy nhưng cũng phải chờ ra bản thảo đến khi in sách mới có tiền, chứ bạn già đâu có dư tiền mà ứng trước cho ông. Đạo diễn Phương Điền làm phim “Cải ơi” đã hơn 10 năm, phim đoạt giải nhưng tiền lồng tiếng (Mạc Can đóng vai chính) ông vẫn chưa được lãnh, cũng 200 – 300 ngàn.
Thật tình cờ đang trò chuyện thì đạo diễn Phương Điền bước vào quán. Mạc Can dặn: “Đừng nhắc vụ ổng thiếu tiền tôi nhé, kỳ lắm”. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để kiểm chứng lời chia sẻ của Mạc Can nên mạo muội hỏi. Đạo diễn Phương Điền khá ngạc nhiên và hơi hối hận, vội vã thanh minh: “Cái này thuộc bộ phận lồng tiếng, con làm đạo diễn ít khi để ý việc này, chắc bên tài vụ họ quên. Bây giờ cộng vốn lẫn lãi, con biếu chú Can 2 triệu, xem như chuộc lỗi“. Mạc Can cầm tiền cười tít mắt lẩm bẩm: “Cái này do nhà báo nhắc chứ không phải tôi nhé.. Thiệt là ngại, nhưng bấy nhiêu thôi đã giúp tôi sống khoẻ trong vòng một tháng rồi”.
Mạc Can không giấu giếm khi chia sẻ rằng điều sợ của ông là không có phim đóng nhưng sợ hơn là đóng phim xong rồi mà chờ hoài không thấy người ta trả tiền. “Đau lắm, tủi lắm chứ chẳng chơi” – Mạc Can chua xót.
Được trả tiền vì bị nhốt
Hỏi ông kỷ niệm nào ấn tượng nhất khi đóng phim? Ông trầm ngâm kể: “Trong lần quay mẫu quảng cáo cho đoàn phim Tây, kịch bản ghi rất chi tiết: ‘Cần một ông già độ 60, mặt hơi khắc khổ, tướng hơi lù khù, đặc biệt phải biết vài trò ảo thuật vui nhộn‘. Hai ngày sau, Mạc Can bước vào đoàn, chào ông Tây đạo diễn bằng một tràng tiếng… Việt. Sau đó, ông trổ tài ảo thuật, khiến cả đoàn phim hào hứng vui mừng.
Không biết sau đó đoàn phim bàn bạc như thế nào, mà Mạc Can ngồi chờ từ 15h đến 20h vẫn chưa thấy ai đả động đến việc đóng phim. Hỏi thăm tay trợ lý, lúc nào anh ta cũng nói chịu khó chờ một tý. Kiên nhẫn chờ đến 23h đêm, có cô hóa trang vào thay trang phục, gắn râu, chải tóc rất chỉnh chu rồi lại… chờ. Đêm đó đoàn yêu cầu ông ngủ luôn trên ghế sofa của phòng trang điểm, vì sáng mai quay sớm. 6h sáng, đoàn phim đã í ới làm việc. Các diễn viên Tây ai cũng lộng lẫy như bà hoàng. Còn ông, vẫn… chờ.
Ảo thuật giúp ông nhận được cả nghìn đô. |
Mãi đến gần tối Mạc Can mới được đứng trước ống kính quay, tung vài chiêu ảo thuật vòng sắt… Chỉ vì cảnh quay này, mất hơn ba tiếng đồng hồ và đêm đó, Mạc Can tiếp tục bị ngủ lại, vì lệnh không được về nhà. Trong lòng thắc mắc, nhưng không dám hỏi. Đến sáng hôm sau, dò hỏi tay trợ lý, mới biết mình đóng vai ông già ảo thuật đường phố, thấy cô gái có mái tóc đẹp và đưa mắt “dại khờ” nhìn ngây ngất.
“Trời đất, chỉ có vậy mà sao nhốt tôi hai đêm?”- Mạc Can thắc mắc. Trợ lý trả lời tỉnh khô: “Sợ sai rắc-co ông nội ơi, cho ông về, ông đi mất tiêu tôi biết đường nào mà tìm!”.
Đến cuối ngày, đoàn phim thanh toán cho Mạc Can mỗi ngày 500 USD, cộng thêm tiền ngủ mỗi đêm 50 USD. Tổng cộng cầm trên tay 1.100 USD, Mạc Can cứ thẫn thờ, thì ra chỉ vì sợ sai rắc co, mà đoàn phim chấp nhận cho ông ngủ lại hai đêm, chấp nhận tốn tiền mà không than tiếc. Lúc này ông mới kêu tay trợ lý tới mắng: “Tại sao chú em mày không kêu tao ngủ thêm vài đêm để có tiền… rủng rỉnh!”.
Từng có người hứa cho đất nghĩa trang
Mạc Can nghèo nhưng có nhiều bạn tốt. Ông khoe: “Tôi có ông bạn làm trên công ty C lâu ngày gặp lại nói rảnh đến chơi chọn miếng đất tốt, ưu tiên tặng cho tôi một miếng dưỡng già”. Hỏi kỹ Mạc Can mới biết đó là… nghĩa trang trên Bình Dương.
Mạc Can đi xe máy đến điểm hẹn, không khỏi áy náy vì quán sang |
Mạc Can khoe có ông bạn hoạ sĩ điêu khắc gặp lại mừng như trúng số. Trò chuyện một hồi anh bạn kéo Mạc Can về nhà bắt ngồi yên để… tạc tượng. Mạc Can vặn hỏi mặt mình có đẹp gì đâu, sao lại tạc làm gì?. Ông bạn họa sĩ trả lời tỉnh que: “Giờ làm làm trước, để sau này Mạc Can có hệ gì tôi còn đem ra để ở đám tang cho người ta biết mặt Mạc Can như thế nào…”.
Mạc Can rầu rĩ: “Hình như số tôi nó hẻo, giữa lúc bối rối vì căn bệnh viêm màng túi mà gặp toàn cao nhân hứa hẹn cho những thứ lúc chết mình mới… hưởng”.
Có lần thấy Mạc Can tướng tá coi bộ nghèo khổ, một người bạn làm nghề y ngỏ lời tặng một chó chó Phú Quốc nặng hơn 20 ký để ông đem đi bán cho dân nghệ sĩ lấy giá cao. Mạc Can mang bao tới nhận hàng tính chở bằng xe máy đưa về ai dè con chó to quá phải thuê… taxi. “Chở chú chó từ Quận 7 về Hóc Môn tốn gần cả triệu bạc của tôi. Đã vậy giống này ăn toàn thịt bò mà tôi thì điều kiện không có đâm chú chó chán ăn ốm nhách. Tôi đành đem bán chú chó. Cộng tiền xe, tiền nuôi, tôi lỗ mấy trăm ngàn” – Mạc Can thật thà trải lòng.
Vay 300 ngàn sửa máy tính lại được tặng máy mới
Sau tiểu thuyết Tấm ván phóng dao thành công vang đội (hai giải thưởng với số tiền 80 triệu đồng), nhiều người bảo: “Mạc Can ăn may!”. Nghe qua, ông không buồn mà lầm lũi viết chăm chỉ bất kể ngày hay đêm, ở nhà trọ hay quán cóc… Cứ rảnh là ông viết, nhớ đoạn nào ông viết đoạn đó, có khi một lúc ông viết tới ba đề tài khác nhau, không có đoạn sau mà cũng có khi không có đoạn đầu.
Đến giờ sách của Mạc Can chễm chệ nằm trang trọng trong các nhà sách lớn với đủ đề tài: Phóng viên mồ côi, Tờ 100 đô la âm phủ, Người nói tiếng bồ câu, Bầy mèo vô sinh, Cuộc hành lễ buổi sáng…
Nhiều người khen ông là người có bút pháp nội lực, ông cười méo miệng rồi khoe tiếp: “Ăn thua gì, có người còn mua luôn ý tưởng của tôi nữa kìa!”. Ông nói tiếp: “Tức là chỉ cần tôi nghĩ ra cái gì hay cứ viết, họ sẽ biến tất cả những ý tưởng trên, để cho ra đời những quyển tiểu thuyết với thương hiệu Mạc Can. Ông bảo: “thời buổi bây giờ, được người ta mời viết, rồi được in ra sách là mừng thấy… tía, rồi, đòi hỏi gì nữa!”.
Với 2 triệu đồng, Mạc Can có thể sống rủng rỉnh cả tháng. |
Thấy ông ra sách hoài nhiều người cứ tưởng ông giàu có, mấy ai hiểu được có lúc ông nghèo đến độ máy tính hư cũng không có tiền sửa. Không biết xoay sở bằng cách nào, Mạc Can liền mượn một người bạn thân 300 ngàn và được giới thiệu lên một công ty để sửa miễn phí.
Tới ngày hẹn, chủ công ty biết ông là Mạc Can liền nảy ra ý định tặng một chiếc máy mới nhưng vì muốn bất ngờ nên nói Mạc Can ngồi chờ. Ngồi chờ lâu, ông có vẻ bực mình định bỏ về thì thấy vị giám đốc xuất hiện tay bắt mặt mừng và tiết lộ món quà muốn tặng Mạc Can là một chiếc máy mới vừa khui thùng. Người giám đốc xin lỗi vì để ông đợi lâu vì bên kỹ thuật cài các phần mềm cho ông dễ sử dụng.
Sau vụ này ông bật mí tiếp: “Chính tôi cũng không biết giá trị chính xác của tôi, ai kêu gì làm nấy, trả bao nhiêu tôi cũng gật đầu, không toan tính thiệt hơn. Lần này tay giám đốc đó chơi đẹp quá, từ sửa cái máy tính mà tặng luôn nguyên cái mới”.
Hỏi ông “dự án” công bố câu chuyện tình già của lão Mạc Can tới đâu rồi, ông lại cười: “Chuyện này hay lắm, nhưng để già hãy viết, chứ giờ nói sớm sợ mất hay. Tôi đã lên ý tưởng hết rồi, viết thành tiểu thuyết đàng hoàng, dày cỡ 500 trang. Ông thấy tôi khô như ngói đúng không, nhưng khi yêu tôi cũng ướt át lắm đó, bảo đảm lúc phát hành, cũng ăn khách lắm chứ chẳng chơi”. Tôi hỏi ngược ông, sao không viết liền mà để già mới chịu viết, bộ ông tưởng còn trẻ lắm sao? Ông lại cười: “Tôi mới 70 chứ bao nhiêu mà… già!”.
Lữ Đắc Long