Là con người chẳng ai muốn bản thân trở nên đáng thương hại trong mắt người khác, đặc biệt là với những người giàu lòng tự trọng. NSND Trần Hạnh vừa mang tự trọng của một người bình thường, vừa có tự trọng của một nghệ sĩ.
Cuộc đời NSND Trần Hạnh còn khổ hạnh hơn phim
Sáng 3/4, con dâu nghệ sĩ cho biết ông mất trong vòng tay các con, cháu. NSND Trần Hạnh sinh năm 1929, hưởng thọ 92 tuổi.
Năm 2019, ông đón nhận danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân khi đang ở độ tuổi 90. Có thể chúng ta không nhớ hết các vai diễn của ông nhưng chắc chắn khuôn mặt khắc khổ ấy đã trở nên thân thuộc với rất nhiều người.
Lên phim, ông được đo ni đóng giày cho những vai khổ hạnh, có thể kể tên một số vai diễn của ông như ông bí thư Đảng ủy trong Làng nổi, bố An trong Truyện cổ tích tuổi 17, bố Lài trong Tướng về hưu, ông Khiển trong Người cầu may, bố Mai trong Hãy tha thứ cho anh.
Khuôn mặt khắc khổ của ông được đo ni đóng giày cho những vai khổ hạnh.
Trên phim ông khắc khổ như thế, còn ngoài đời ông còn khổ hơn phim. Ông từng chăm sóc người vợ bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não suốt gần chục năm, ngày ngày ông cần mẫn cơm nước, chợ búa, giặt giũ. Năm 2011, vợ ông qua đời, ở tuổi ngoài 80 ông vẫn phải chăm sóc con trai út 47 tuổi bị ảnh hưởng của chấn thương sọ não sau tai nạn. Ông trở thành gà trống nuôi con, ngày ngày lo việc nội trợ, cơm nước, giặt giũ cho cả gia đình.
Vợ chồng NSND Trần Hạnh có tất cả bảy người con, hai trai, năm gái nhưng nay chỉ còn bốn. Trước kia cả đại gia đình ông sống trong ngôi nhà chật chội hơn chục mét vuông ở khu Trần Quý Cáp với nhân khẩu lên tới 9 người.
Ông từng trải qua những tháng năm khó khăn, chật vật.
Cuộc sống của NSND Trần Hạnh khó khăn, cơ cực là thật nhưng đó là chuyện của trước kia. Hiện tại, cuộc sống của gia đình ông chưa thể gọi là sung túc nhưng đã khá hơn trước nhiều. Có thể ông không giàu tiền giàu bạc nhưng ông vẫn đang an hưởng những ngày tuổi già bình yên bên con cháu sum vầy. Một cuộc sống như thế phải gọi là hạnh phúc chứ sao gọi là khổ?
Không có chuyện NSND Trần Hạnh phải chật vật bán quần áo mưu sinh
Khoảng đầu năm 2018, hình ảnh NSƯT Trần Hạnh ở tuổi 89 vẫn phải mưu sinh bằng việc bán quần áo đã dấy lên lòng thương cảm của nhiều người. Tuy nhiên con dâu ông đã phủ nhận thông tin này vì ông vẫn thường xuyên giúp đỡ con cháu nhiều năm nay.
Thực ra ông chỉ muốn góp chút sức già giúp được gì đó cho con cháu.
Khi còn khỏe mạnh, ông còn đi lấy hàng giúp con dâu. Đến khi tuổi già sức yếu, ông chỉ ra ngồi trông cửa hàng cho đỡ buồn. Mỗi ngày ông ra cửa hàng hai buổi, ngồi 1 – 2 tiếng và đều có người nhà đưa đón. Tuy tuổi đã già nhưng ông vẫn muốn giúp được chút gì đó cho con cháu chứ không phải khó khăn quá nên phải mưu sinh. ‘Ông có lương hưu, lại có con đàn cháu đống đang tuổi lao động kiếm tiền nên người thân không đời nào để ông phải vất vả’ – con dâu ông khẳng định.
NSND Trần Hạnh là một người giàu lòng tự trọng
Ông nói rằng: ‘Sinh ra, mỗi người đã có một số phận. Không thể thay đổi thì đừng than vãn, hãy học cách chấp nhận đứng trên mọi nỗi đau.’
Ông không chỉ là lão nông chân chất thật thà trên phim, ngoài đời ông cũng rất chân thành và quan tâm đến mọi người. Nghệ sĩ Tùng Dương đã có những dòng chia sẻ đầy xúc động về những kỷ niệm bên NSND Trần Hạnh. Theo đó, nghệ sĩ Trần Hạnh đã lén ‘trốn’ khỏi trường quay để đi mua đồ ăn cho vợ của nghệ sĩ Tùng Dương (NSƯT Hoa Thúy), khi đó đang ốm nghén phải nằm nghỉ, nhưng khi mọi người hỏi, ông chỉ nói là đi mua bao thuốc lá.
Trong cơn bực tức, nghệ sĩ Tùng Dương toan nổi nóng với ông thì phải khựng lại vì quá bất ngờ. NS Tùng Dương cũng kể thêm rằng khi NSND Trần Hạnh chuẩn bị vào set quay cảnh ông già ngồi vá xe đạp, có người vô tư mang xe đến sửa thật và vẫn được ông vui vẻ giúp đỡ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng NSND Trần Hạnh cái ôm nồng hậu.
Nhiều sinh viên trường Sân khấu điện ảnh gọi ông bằng ‘bố’, kể rằng ông rất nhiệt tình, tâm huyết với lớp thế hệ con cháu. Ai nhờ bố cũng giúp, có khi còn chẳng lấy cát xê. Mấy năm gần đây vì tuổi cao sức yếu lại lâm bệnh nặng nên NSND Trần Hạnh không còn nhận thêm vai diễn mới, nhưng thực ra tình yêu nghề vẫn hừng hực chảy trong huyết quản.
Sau nhiều năm lỡ hẹn, cuối cùng ông cũng được đặc cách xét tặng danh hiệu NSND, danh sách được Sở Văn hóa – thể thao Hà Nội công bố hồi đầu năm 2018 nhưng đến giữa năm 2019 mới chính thức được công nhận và trao bằng khen.
Ở buổi lễ nhận huân chương và danh hiệu, NSND Trần Hạnh mắt đã mờ, chân chậm, tay run, phải có con cháu dìu dắt lên sân khấu. Hình ảnh người nghệ sĩ 90 tuổi lụ khụ lên nhận danh hiệu đã khiến nhiều người không khỏi thương cảm, xót xa.
Ông được con cháu dìu đi nhận giải.
Trước đó năm 2016, việc NSƯT Trần Hạnh không có tên trong danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ sũ nhân dân đã khiến nhiều người tiếc nuối. Tuy nhiên khi trả lời báo chí, ông nói rằng: ‘Nghệ sĩ có tự trọng riêng, chẳng ai năm lần bảy lượt làm hồ sơ hay đi xin danh hiệu’. Nếu ai đủ tiêu chuẩn thì các nhà hát, đơn vị sân khấu nên đề xuất lên.
Cuối cùng NS Trần Hạnh đã được xét trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân sau 30 năm kể từ khi nghỉ hưu. Đây có lẽ là sự công nhận có phần muộn màng nhưng vẫn còn kịp để thể hiện sự tôn vinh cho những cống hiến của nghệ sĩ.
Niềm vui lớn này ông cùng chia sẻ với cả gia đình.
Với NSND Trần Hạnh, được trao tặng danh hiệu hay không chỉ là chuyện nhỏ bởi nguyện vọng lớn nhất của ông là được cống hiến vì đam mê nghệ thuật.
Theo Đất Việt