Chàng Trần Minh – Thanh Sang đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu sau khi được cấp cứu tại bệnh viện. Gia đình cho biết khả năng không tỉnh lại của ông là rất lớn
Thông tin NSƯT Thanh Sang bị hôn mê sâu khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp và công chúng khán giả mộ điệu sân khấu cải lương xót xa. Ông được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định từ chiều 4-4 trong tình trạng khó thở. Hiện gia đình cho biết ông đã bị hôn mê sâu, khó có khả năng tỉnh lại. NSND Lệ Thủy xúc động nói: “Tôi không ngờ anh Sang lâm bạo bệnh, dẫn đến hôn mê. Anh và tôi cùng đoạt HCV Giải Thanh Tâm năm 1964, chúng tôi có quá nhiều kỷ niệm trên sân khấu và trong cuộc sống. Tôi mong chờ được tái ngộ cùng anh trong một suất hát của anh nhưng rồi… Cầu nguyện phép mầu đến với chàng Trần Minh nghèo khó, giàu nghị lực của tôi”.
Gác lại hoài bão cuối đời
Hoài bão cuối đời của ông chính là được lưu diễn khắp nơi trên thế giới. Những nơi nào có người Việt sinh sống, ông sẽ đến hát vì ông tin “ở đâu có dân mình thì ở đó đều thích cải lương và âm nhạc cổ truyền”.
Gặp tôi cách đây không lâu, ông nói về kế hoạch cuối đời của mình khó mà thực hiện được vì sức khỏe không cho phép. “Chứ thật ra tôi bán nhà, bán đất, chia phần cho vợ con rồi, cứ vác ba lô lên vai và đi thôi. Đến quốc gia nào thì xin nhập cảnh rồi tiếp cận các hội đoàn, các nghệ sĩ đồng nghiệp đang định cư rải rác khắp năm châu để ca diễn. Có sân khấu thì làm trích đoạn, không có thì thuê nhà hàng, ca salon, ca tại gia những bài vọng cổ với làn hơi mộc mạc. Khi nào hết tiền thì về. Nhưng lục phủ ngũ tạng của tôi bây giờ không chiều theo ý định của tôi, cứ hành tôi đau triền miên, gây chứng khó thở” – NSƯT Thanh Sang bày tỏ.
NSƯT Thanh Sang vai Lục Vân Tiên
Tôi ứa nước mắt mỗi khi đến thăm ông. Vừa bước xuống giường bệnh, ông lập tức ca liền bài “Xuân tình”, rồi lấy hơi ca vọng cổ. Ông nói phải tập chứ không để mắc cái bệnh tù hơi thì sau này không hát được. Rồi ông tính đến chuyện sẽ tổ chức suất hát kỷ niệm sinh nhật 75 tuổi vào năm nay, diễn lại các trích đoạn với các “cô đào” mà ông quý mến như: Bạch Tuyết (“Kiều Nguyệt Nga – Lục Vân Tiên”), Lệ Thủy (“Bên cầu dệt lụa”, “Tây Thi”), Phượng Liên (“Tiếng trống Mê Linh”), Hồng Nga (“Trường tương tư”), Thanh Kim Huệ (“Đường gươm Nguyên Bá), Ngọc Giàu (“Đời cô Lựu”)… và các cô đào trẻ có người gọi ông bằng bố, bằng ba, bằng chú, bằng anh như: Thanh Hằng, Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm, Vân Hà, Cẩm Thu, Phượng Loan, Kiều Phượng Loan, Cẩm Tiên, Thanh Ngân… Ông nói thực hiện xong suất hát đó, ông ra đi thanh thản, vì đã sòng phẳng với cuộc đời. “Đời tôi lắm lúc thăng trầm nhưng niềm đam mê nghề hát vẫn cháy bỏng trong tôi; không phụ tình cảm của công chúng dành cho sân khấu cải lương. Thời đói khổ nhất là năm 1972, khi cải lương rơi vào ế ẩm, các rạp hát bị phim ảnh chiếm dụng, chỉ còn mỗi rạp Quốc Thanh sáng đèn. Tôi đã đi lái taxi để nuôi con. Lúc nào cũng đội nón đeo kính đen để khán giả không nhận ra mình. Hễ gặp khán giả quen thì lắc đầu không dám nhận chở vì họ lên xe là khen chê cải lương, nghe xót đắng. Có đói nghèo cũng giữ cái nghề nên tôi không bao giờ làm tổn thương nghề nghiệp của mình. Đó là cách tôi ứng xử sòng phẳng với cuộc đời, vì đời cho tôi làm kép hát thì dù sống chết thế nào cũng vẫn giữ cho vẹn tình” – NSƯT Thanh Sang tâm sự.
Đem thương yêu rắc lên oán hờn
Ông là người có trí nhớ dai. Trong giới nghệ sĩ ai tuổi gì, sinh năm mấy, thậm chí cung, mệnh tử vi ông đều nắm. “Không phải tôi làm nghề bói toán mà vì quý thương các đồng nghiệp, nên năm nào cũng xem cho từng người, biết họ sẽ gặp điều gì cản trở bước đường công danh, sự nghiệp thì gặp mặt hoặc gọi điện nhắn nhủ để họ biết mà tránh, hạn chế, cẩn thận trong công việc” – ông giải thích.
NSƯT Minh Vương bùi ngùi nói: “Những lúc tôi gặp trở ngại trong cuộc sống, người gọi điện cho tôi đầu tiên để an ủi, động viên là anh Thanh Sang. Tính của anh ấy rất mạnh mẽ, sẵn sàng lên tiếng bảo vệ những người thế cô nhưng lại sống tình cảm, chan hòa với mọi người. Hay tin anh bị hôn mê, lòng tôi đau lắm. Cầu mong anh Sang sẽ vượt qua để thực hiện suất hát cuối đời của anh. Anh có mời tôi và nói hai anh em tìm bài ca nào phù hợp để song ca; ảnh làm sư phụ, tôi làm đệ tử nhưng giờ ảnh hôn mê, thật đau quá!”.
Năm 1964, NSƯT Thanh Sang nhận HCV Giải Thanh Tâm còn NSƯT Minh Vương nhận Giải Khôi Nguyên vọng cổ, vậy mà 2 nghệ sĩ chưa bao giờ có dịp song ca. “Tiết mục này sẽ hấp dẫn đó, tôi chờ Minh Vương chọn bài. Ý tôi là chọn bài “Nhớ mẹ” của soạn giả Viễn Châu” – NSƯT Thanh Sang ao ước.
Cuộc đời của ông có thể thành một cuốn hồi ký hay, nhiều chương. Ở đó có đủ hỷ-nộ-ái-ố và cả sự ăn năn. Có lần ông đưa tôi xem một xấp bản thảo còn viết dở dang, trong đó ông đã tạ lỗi với những người phụ nữ mà ông yêu nhưng vì họ quá ghen mà hành xử thô lỗ.
Ông cầm tay tôi và nói: “Khi tôi nhắm mắt, bản thảo này bạn hãy chuyển đến họ. Tôi có 5 người vợ, 5 cuộc tình đều đẹp, đều nên thơ. Tôi có lỗi với họ”. Tự ông nhận lấy trách nhiệm để dẫn đến đổ vỡ các cuộc hôn nhân. Lý giải phải chăng nhờ những hệ lụy đó mà ông đi vào số phận các nhân vật có cuộc tình trắc trở quá ngọt, ông cười: “Một phần thôi, còn lại là sự sám hối. Vì tôi sống nội tâm lắm. Cứ sau những đổ vỡ thì tự mình vỗ về những thương yêu ngày cũ, tránh rơi vào vết xe đổ. Khi tôi chung sống với ca sĩ Ngọc Bích, con gái đôi nghệ sĩ tài danh Việt Hùng – Ngọc Nuôi, lúc đó, tôi nghĩ hôn nhân tuyệt vời, sẽ khó mà chia lìa chúng tôi. Nhưng rồi sóng gió ập tới, cô ấy quá trẻ, tôi lại nóng tính. Khi về ở với nghệ sĩ Diệp Tuyết Anh, tôi cũng chưa dìm được sự nóng nảy, dẫn đến những cuộc cãi vã, xung đột. Cho đến người vợ sau cùng, bà ấy không là nghệ sĩ nên có phần nhường nhịn, tránh xa những hào quang sân khấu của tôi nên không còn những ghen tuông trong nghề. Ngày đứa con trai tôi qua đời, “lá vàng khóc lá xanh”, tôi cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống. Ngày nào cũng cầu nguyện cho mình có sức khỏe để làm việc thiện”. NSƯT Thanh Sang đã âm thầm làm công việc thiện nguyện, cung cấp gạo, thực phẩm cho các chùa nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, người già neo đơn, tàn tật nhiều năm nay.
Hàng trăm vai diễn của ông chất chứa bao nỗi niềm từ chính sự cảm nhận từ cuộc đời để song hành trong ông một gánh nặng: nỗi đau của nhân vật và nỗi đau của người nghệ sĩ. “Sống phải biết sẻ chia, đó là điều mà tôi chiêm nghiệm được từ cuộc đời này. Hoài bão đời tôi dù có dang dở như quyển hồi ký không có đoạn kết nhưng tôi vẫn thanh thản chấp nhận vì tôi đã sống đúng nghĩa với đam mê, chưa bao giờ nhân danh điều gì phản bội nó” – ông khẳng định.
“Anh kép mang đôi hia bảy dặm”
Ông đi lên từ nghèo khó tại làng quê Phước Hải, Long Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nghề đan lưới mướn cho dân chài là công việc đầu tiên của Nguyễn Văn Thu (tên thật của NSƯT Thanh Sang). Do nhà ở cạnh rạp hát, lân la nghe các anh hậu đài ca nghêu ngao, rồi nghe giọng ca của đệ nhất danh ca Út Trà Ôn qua chiếc radio của ông bảo vệ rạp hát mà Thanh Sang yêu vọng cổ, quyết chí làm nên sự nghiệp.
Là nam nghệ sĩ được mệnh danh “anh kép mang đôi hia bảy dặm” của sân khấu cải lương, ông đã đoạt HCV Giải Thanh Tâm với vai diễn Tạ Tốn trong vở cải lương “Cô gái Đồ Long” của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng năm 1964 lúc vừa tròn 22 tuổi. Với chất giọng trầm ấm, phong cách diễn xuất giàu nội lực, ông đã khẳng định vị thế của mình trên sân khấu cải lương, nam nghệ sĩ chuyên trị vai già lúc còn trẻ và khi về già thì lại đóng toàn vai trẻ. Nhắc đến ông, khán giả nhớ những vai diễn nổi bật như: Tạ Tốn (“Cô gái Đồ Long”), Long Hồ (“Tuyệt tình ca”), Trần Minh (“Bên cầu dệt lụa”), Thi Sách (“Tiếng trống Mê Linh”), Lê Hoàn (“Thái hậu Dương Vân Nga”)…
( Theo Người Lao Động)