MC Trác Thuý Miêu cho rằng cô hay hoa hậu, danh hài tuy không mang danh nghĩa gì với âm nhạc nhưng có lý do riêng để ngồi chấm thi ca hát.‘Hoa hậu, danh hài biết gì mà chấm thi ca hát?’
Đứng ngoài góc độ giám khảo, chị nhận xét như thế nào về “Người hát tình ca” giữa ‘rừng’ gameshow dày đặc hiện nay?
– Chỉ riêng tên gọi thôi, BTC đã có định hướng rõ ràng. Với những tên tuổi trên ghế giám khảo như danh ca Ý Lan và nhạc sĩ Đức Huy có thể giúp các thí sinh, khán giả phân định ở mỗi dòng tình ca như tiền chiến, nhạc vàng, nhạc xanh, nhạc hải ngoại, nhạc ngoại lời Việt, nhạc sáng tác trong nước sau 1975… Các giám khảo sẽ đòi hỏi những tỳ vết nhất định để làm lộ rõ xuất xứ của dòng nhạc. Nếu thí sinh chọn dòng tiền chiến, chắc chắn phải có yêu cầu về học thuật hàn lâm. Có người hát dòng này rất hay nhưng chuyển sang nhạc vàng mất chất. Hoặc những giọng ca được huấn luyện từ trường thanh nhạc chỉ hát tốt nhạc phẩm tình ca kháng chiến sau 1975 hoặc tình ca cách mạng.
Chúng ta sẽ thấy ở thí sinh những khuôn mặt chạy show thi hát, những giọng ca lờ nhờ, những phong thái sân khấu không có gì trội bật… Bản thân tôi không khuyến khích việc các gameshow cứ sử dụng ngần ấy khuôn mặt thí sinh. Song tôi nghĩ vào lúc người ta kêu gào nhạc trữ tình đang náo loạn cuộc thi như Người hát tình ca, với chữ “tình ca” sẽ tự cởi trói mình và đưa đến khán giả thông tin rõ rằng yêu cầu và tinh thần của mỗi dòng nhạc trong kho tàng tình ca Việt Nam là gì.
MC Trác Thuý Miêu đồng hành cùng BTC đi tìm Người hát tình ca. |
Ở mùa trước, trên ghế nóng có á hậu Thuý Vân. Một cô gái trẻ như thế hiểu biết gì về nhạc xưa và liên quan gì với âm nhạc để chấm thi – nhiều người từng thắc mắc. Còn chị thấy điều này ra sao?
– Bạn đã đặt câu hỏi hay và khôn ngoan. Thay vì hỏi thẳng tại sao những người không hoạt động lĩnh vực âm nhạc lại có mặt trên ghế giám khảo, đơn cử cá nhân tôi. (cười) Tôi có thể trả lời thế này: Thứ nhất, gameshow, reality show hay TV show nói chung về âm nhạc đều là show chứ không phải một cuộc thi sự nghiệp hay thi tuyển. Show đòi hỏi có những nhân vật, khuôn mặt, cá tính và dòng lý luận khác nhau để tạo xung đột. Đây là công thức của TV series. Chúng ta cần những người diễn ngôn tốt hoặc không tốt nhưng phải ra chất riêng.
Á hậu Thuý Vân là một trong những giám khảo của chương trình mùa giải đầu tiên. |
Thứ hai, một á hậu ngồi ở đó hoàn toàn đẹp mắt. Với toàn người học thuật, lý luận cao tôi nói thẳng ban giám khảo sẽ không đẹp mắt. Vì họ thường là những học giả lớn tuổi và lối diễn ngôn hàn lâm sẽ không chinh phục người xem. Song, lý do lớn nhất, tôi cho rằng Thúy Vân đại diện những cô gái trẻ giống như cô ấy về thời trang, sự cấp tiến… Giám khảo khách mời chính là đại diện cho một tỷ lệ phần trăm nào đó khán giả ngoài kia. Các cô gái trẻ, cô nào lại không mê nghe nhạc trữ tình? Họ chính là thị trường, là những người mua đĩa, mua vé đến phòng trà, nhấp vào link nghe nhạc…
Cả tôi và những người như tôi nghe gì, đòi hỏi gì?.. Một diễn viên hài ngồi ghế giám khảo, anh ta đang đại diện cho biết bao nhiêu khán giả tỉnh. Thứ lỗi tôi nói thẳng, Đài Vĩnh Long trong thời gian qua đã cho thấy lực của khán giả tỉnh làm nên sân khấu văn nghệ Sài Gòn!. Nên chúng ta cần giám khảo khách mời để họ nói thay cho những người chúng ta vẫn gọi chung chung là “khán giả”. Thúy Vân ngồi đó để nói thay những cô gái trẻ khao khát nghe sự lãng mạn. Cách họ hiểu về âm nhạc có thể không giống nhạc sĩ hay nữ danh ca nhưng họ quyết định sức sống của tác phẩm và nghệ sĩ trên thị trường. Và, Thúy Vân ngồi đó hay tôi ngồi đây, là hoàn toàn dễ hiểu.
Cay cú là tư thế của một con bạc!
Các nghệ sĩ khi tham gia một sân chơi, cụ thể ở cuộc “Tình Boléro hoan ca” khi được hỏi đều nói rằng không câu nệ kết quả. Nhưng thi xong vẫn có người cay cú ra mặt. Vì sao người hát chuyên nghiệp nhưng vẫn vướng cái ‘dớp’ như những thí sinh nghiệp dư đang tìm kiếm sự nổi tiếng, thưa chị?
– Tôi nghĩ đó không phải ‘dớp’ vì tất cả chúng ta đều như vậy. Thử tưởng tượng tôi làm format reality show cho nhà báo thi nghiệp vụ và các bạn tuyên thệ dưới danh nghĩa của người trí thức sẽ hành xử trí thức. Nhưng tôi dám chắc bước vào cuộc chơi sẽ khác, trong các bạn sẽ có kẻ chạnh lòng.
Trở lại với Tình Boléro hoan ca, họ là những nghệ sĩ của sân khấu văn nghệ hàng đêm chứ không phải của thị trường giải trí. Họ thắp nhang thờ Tổ hàng đêm nhưng vẫn không nổi tiếng vì một số cá thể trong họ không chịu nổi áp lực đứng trên truyền hình trước hàng triệu khán giả nhưng rồi không là quán quân. Tâm lý đó sẽ có ở bất kì ai và đó cũng là sức hấp dẫn của cuộc thi. Tôi quan sát đủ để biết rằng với những động cơ khác nhau người ta bước khỏi cuộc thi với thái độ khác nhau. Như bạn thấy động cơ ở chị Yến Xuân, anh Đức Minh, Quang Minh hay Mạnh Thường. Quang Minh thậm chí hiện nay rất được biết đến nhưng anh hoàn toàn vẫn là một tay bất cần. Có thể nói gốc văn hoá, cá tính và bản ngã của anh quá vững, đã bắt rễ từ trong tâm lý nội tại.
Nếu bạn đến với cuộc thi với mưu toan sự nghiệp duy ý chí thì dĩ nhiên khi thất bại sẽ làm bạn tổn thương sĩ diện lẫn những mưu toan ấy. Tất cả mọi người trước đêm chung kết xếp hạng vẫn là khoảnh khắc rất đẹp. Họ hẹn nhau anh em ‘chơi khô máu’ nhưng tôi nhìn ngắm và ngầm đoán khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy sắp sửa đổ vỡ sau vài giờ đồng hồ nữa. Và điều đó chưa bao giờ sai.
Tôi cho rằng thử thách lớn nhất của cuộc thi là việc bạn còn giữ được nghệ sĩ tính hay không sau tất cả. Tôi vẫn luôn nói với các thí sinh hay bạn bè mình rằng cuộc thi chỉ thực sự bắt đầu vào buổi sáng sau đêm thi chung kết xếp hạng. Vì lúc đó chúng ta mới biết ai đã vượt qua và giữ vẹn nguyên bản ngã nghệ sĩ. Anh Mạnh Thường không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng nghệ sĩ tính của anh rất cao, được minh chứng qua tư thế anh bước ra khỏi cuộc thi.
Còn sự cay cú là tư thế của một con bạc. Họ đến đây để đánh bài. Chúng tôi hoan nghênh điều đó để khán giả thấy thêm nhiều sắc màu của đời nghệ sĩ. Có những toan tính khôn ngoan và cũng có những toan tính không ngoan. Cuộc đời luôn như thế và đó là vì sao chúng tôi luôn đưa chữ ‘Tình’ vào trong chuỗi chương trình lớn về Boléro. Để vui mà hát không dễ đôi khi người ta hát với lý trí, động cơ thay vì sự hoan hỷ.
Bức xúc với kết quả chung cuộc, Vi Thảo phát ngôn không đúng mực đối với BTC và hai nghệ sĩ chiến thắng. |
Nhưng nhiều nghệ sĩ sau những cuộc thi không còn nhìn mặt nhau. Theo chị đánh đổi như vậy liệu có xứng đáng?
– Hãy tưởng tượng hàng triệu người nhìn vào bạn. Hãy tưởng tượng sau tiết mục cuối cùng, bạn vào cánh gà, cất công thay bộ trang phục đẹp nhất để trở ra và đứng đó. Hãy quan sát vẻ mặt của tất cả cô á hậu trong những cuộc thi nhan sắc thế giới. Không ai thoát được cảm giác đó. Tôi rất thông cảm nhưng sao bạn không nghĩ hãng quảng cáo mất bao nhiêu tiền để phát sóng một phút trên truyền hình, trong khi bạn có ngần ấy thời lượng xuất hiện trước hàng triệu người. Dẫu chiếc cúp quán quân có vụt khỏi tay bạn nhưng hãy quy ra tiền từ số thời lượng bạn được lên sóng miễn phí. Đó mới là ván cờ sự nghiệp thực sự của người khôn ngoan chứ không phải kẻ chạy theo chiếc cúp kia.
– Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
( Theo VNN)