‘Đánh cãi chửi nhau’ trên truyền hình: VTV đang dễ dãi?

Để những màn đánh chửi nhau của chương trình Vietnam’s Next Top Model và The Face xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia, phải chăng VTV đang dễ dãi trong khâu kiểm duyệt?

Sau thời gian như “nấm mọc sau mưa”, truyền hình thực tế Việt được cho là đã bước vào giai đoạn bão hòa. Các cuộc thi tìm kiếm tài năng, game show vẫn phủ sóng màn ảnh nhỏ nhưng sức hấp dẫn đã không còn được như trước. Khán giả quay lưng với truyền hình hình thực tế vì format cũ kỹ, cùng những gương mặt giám khảo – thí sinh “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. 

Thế nhưng, “đâm lao thì phải theo lao”, các đơn vị sản xuất thường không bao giờ để chương trình của mình “tự chết”. Trong cuộc chiến rating ngày càng khốc liệt, họ tìm đủ mọi cách để thu hút sự chú ý của khán giả, thậm chí tạo điều kiện để giám khảo – thí sinh được “đánh cãi chửi nhau” trên sóng truyền hình. Vietnam’s Next Top Model và The Face là ví dụ.

'Danh cai chui nhau' tren truyen hinh: VTV dang de dai? hinh anh 1

Thí sinh Vietnam’s Next Top Model 2017 cãi vã, hất nước vào mặt nhau. Ảnh: Chụp màn hình.

Khi ‘cãi vã’ là chiêu trò gây chú ý

Trong nhiều chương trình truyền hình thực tế, game show được tổ chức từ đầu năm 2017 đến nay, The Face và Vietnam’s Next Top Model tạo được sự chú ý hơn cả. Tên cuộc thi có xuất hiện trong danh sách tìm kiếm phổ biến nhất của Google, dù không thường xuyên.

Ở mùa thứ 8, Vietnam’s Next Top Model được cho là không còn “hot” như những năm đầu tiên. Và tất nhiên, The Face, với lần thứ 2 tổ chức cũng không còn gây bão mạng như thuở ban đầu.

Nhưng trong “buổi xế chiều” của game show, hai cuộc thi này được cho là vẫn có lượng rating tương đối lớn. Giá quảng cáo trong chương trình được đồn đoán là từ 250-300 triệu / 1 block 30 giây. Có lẽ, nhà sản xuất cũng chỉ cần có vậy?

Khi xem The Face và Vietnam’s Next Top Model, không ít người đặt câu hỏi “Nếu không có những màn cãi vã, hai chương trình này liệu có sức hút?”. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả thú nhận họ theo dõi chỉ vì thích “drama”, thích sự kịch tính. Những thử thách chuyên môn, thời trang bỗng trở thành thứ vô dụng.

Giám khảo The Face lời qua tiếng lại, xô đẩy, chỉ mặt, coi thường nhau. Trong khi ở Vietnam’s Next Model huấn luyện viên lườm nguýt, cãi tay đôi. Thí sinh ném đồ, hất nước vào mặt nhau. 

Trước ống kính máy quay, mọi thứ được diễn ra quá “tự nhiên chủ nghĩa” trên sóng truyền hình. Một số cảnh có thể bị cắt đi, nhưng để “câu khách”, đơn vị sản xuất ngay lập tức đăng tải trên mạng xã hội để công chúng tranh cãi. Hơn ai hết, họ hiểu rằng, trong cuộc chiến rating, quảng cáo, người xem càng tranh cãi, đơn vị tổ chức càng có lợi.

'Danh cai chui nhau' tren truyen hinh: VTV dang de dai? hinh anh 2

Nam Trung và Võ Hoàng Yến thường xuyên mẫu thuẫn, lườm nguýt, coi thường nhau. 

VTV ngày càng thoáng trong kiểm duyệt?

“Nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ nhưng nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Ai cũng hiểu rằng, ngoài việc tạo điều kiện để các giám khảo, host, huấn luyện viên, thí sinh “thích gì nói ấy” và “thích gì làm ấy”, nhà sản xuất còn can thiệp bàn tay “quyền năng” vào việc cắt ghép, dàn dựng.

Một tập phát sóng có thể được quay tới hai ngày. Nhưng khán giả chỉ được xem trong vòng 45-65 phút nên câu chuyện gần như không được chuyển tải trọn vẹn. “Cắt đầu, bỏ đuôi”, thậm chí nếu dựng thiếu cảnh, nhà sản xuất cũng không ngại cho người vác máy đi quay thêm. 

Nói như siêu mẫu Xuân Lan, những chương trình truyền hình thực tế giống một bộ phim truyền hình dài tập. Nếu phim càng dài thì càng phải có nhiều vai phản diện. Vai phản diện càng ác, càng thu hút khán giả. Phim nào không có vai ác, khán giả sẽ thấy nhạt và không xem nữa. Phim sẽ thua vì không có rating.

Thế nên, những đồn đoán cho rằng thái độ của Minh Tú trong The Face là “cố gồng”, còn ánh mắt đanh đá, giọng nói đay nghiến, chua ngoa của chuyên gia trang điểm Nam Trung trong Vietnam’s Next Top Model chỉ là “diễn cho lố”, không phải là không có căn cứ.

Tất nhiên, sự thể hiện quá đà của các giám khảo, ở một chừng mực nào đó có thể được biện minh bằng format nước ngoài. Nhưng khi thí sinh “đánh cãi chửi nhau” trên sóng truyền hình như tập vừa qua của Vietnam’s Next Top Model, bạo lực đã vượt ngưỡng phiên bản gốc, nhiều người bắt đầu thắc mắc về quá trình kiểm duyệt của VTV.

Chia sẻ với Zing.vn, một nhà phê bình văn hóa – nghệ thuật có tiếng ở Hà Nội cho biết những thái quá trên truyền hình chứng tỏ quá trình Việt hóa truyền hình thực tế có vấn đề. Và nhà đài cũng không vô can khi để những cử chỉ thiếu chuẩn mực đạo đức của các cô gái trên sóng.

“Thoáng hơn trong thời buổi hiện nay là dễ hiểu. Nhưng ở một chừng mực nào đó, vẫn cần phải có sự kiểm duyệt, biên tập để tránh trở nên phản cảm vì đối tượng công chúng của truyền hình rất đa dạng”, nhà nghiên cứu này nói thêm.

'Danh cai chui nhau' tren truyen hinh: VTV dang de dai? hinh anh 3

Chương trình The Face tính đến thời điểm hiện tại chỉ gây chú ý bằng việc huấn luyện viên cãi vã, xô đẩy.

Phép màu nào cho truyền hình thực tế?

Trên mạng xã hội, không ít người kêu gọi tẩy chay Vietnam’s Next Model và The Face vì cho rằng hai cuộc thi này không khác gì “chợ vỡ”. Sự tự nhiên, vốn là ưu điểm của truyền hình thực tế đã bị lợi dụng quá đà, dẫn đến buông tuồng, thiếu kiểm soát.

Một bộ phận công chúng đã ngán ngẩm. Một số khác thì chỉ xem cho vui, y như kiểu người ta vẫn dừng lại để ngó nghiêng những cuộc cãi vã của các bà trong chợ.

Tranh luận là cần có. Nhưng một khi tranh luận trở thành “đánh cãi chửi nhau” thiếu văn hóa, lại bị nhà sản xuất lợi dụng và coi đó là yếu tố để thu hút sự chú ý thay vì khía cạnh chuyên môn thì truyền hình thực tế Việt thực sự đã đi vào đường cùng.

Công chúng có lẽ chưa quên Sing My Song – một chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc được sản xuất vào năm 2016. Cùng đơn vị tổ chức, cuộc thi này lại không chiêu trò, scandal như The Voice, giám khảo cũng không lên mạng xã hội “mỉa mai” nhau như X Factor. Mặc lòng, Sing My Song vẫn “hot” và nhận giải Âm nhạc Cống hiến.

“Có bột mới gột nên hồ”. Yếu tố chuyên môn, chất lượng kết hợp với format mới mẻ, thí sinh tài năng bao giờ cũng dễ dàng thu hút sự quan tâm, chú ý của công chúng.

Phía sau một chương trình thực tế, sự thành công chỉ được đong đếm bằng tài năng thí sinh, mọi chiêu trò câu khách chỉ thể hiện sự bế tắc, thất bại.

( Theo Zing)

Categories: Sao TV

Tags:

Comments are closed