Điều gì khiến ‘Tiếng sét trong mưa’ chạm mốc rating đỉnh 26.0?

Không chỉ có mối tình ngang trái, cảnh nóng, bộ phim của đạo diễn Phương Điền còn phản ánh hiện thực xã hội và số phận đau khổ của người nông dân.

Tiếng sét trong mưa là bộ phim hiếm hoi sau Gạo nếp gạo tẻ thu hút sự quan tâm của khán giả màn ảnh nhỏ. Thông tin từ phía đài truyền hình Vĩnh Long cho hay rating của phim hiện đạt 26.0. Rating của mỗi bộ phim ăn khách thường đạt ở mức 8-13.0. Đây là con số ấn tượng, chưa bộ phim Việt nào làm được trong suốt 3 năm qua. Vậy điều gì đã giúp Tiếng sét trong mưa hút khán giả? 

Kịch bản phóng tác từ ‘Lôi vũ’ hấp dẫn, kịch tính

Đầu tiên, không thể phủ nhận bộ phim của đạo diễn Phương Điền sở hữu một kịch bản chắc tay, được phóng tác từ tác phẩm văn học Lôi vũ của Tào Ngu. Tác phẩm văn học này mới ra đời cũng gây sóng gió trên văn đàn Trung Quốc khi miêu tả tấn bi kịch của một gia đình để nói lên sự thối nát, tàn tệ của xã hội phong kiến.

Phần đầu phim xoay quanh mối tình ngang trái giữa Khải Duy và Thị Bình. 

Ở Việt Nam, Lôi vũ từng được chuyển thể nhiều lần trên sân khấu kịch, cải lương. Vào những năm 1986, tác phẩm này cùng lúc được 4 sân khấu kịch tại TP.HCM dàn dựng. Trong đó, vở kịch do đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng trên sân khấu 5B đã tạo tiếng vang, làm nên tên tuổi của dàn diễn viên Hồng Vân, Hữu Châu, Thành Lộc, Việt Anh… 

Tiếng sét trong mưa là bộ phim đầu tiên đưa Lôi vũ lên màn ảnh nhỏ Việt Nam. Kịch bản của Tiếng sét trong mưa theo khá sát tác phẩm gốc nên có câu chuyện kịch tính, hấp dẫn, tình tiết dữ dội. Đạo diễn Phương Điền vẫn giữ lại nội dung nhạy cảm như mối quan hệ loạn luân giữa mẹ kế và con chồng, hai anh em cùng mẹ khác cha.   

Nhưng câu chuyện đó chỉ chiếm một phần trong kịch bản. Và phim thu hút không phải bởi câu chuyện sóng gió ấy. Tiếng sét trong mưa nhận được sự quan tâm của khán giả ở ngay những tập đầu. Khi đó, diễn biến phim tập trung trong căn nhà của bà Hội, xoay quanh mối tình ngang trái giữa Khải Duy (Cao Minh Đạt) và Thị Bình (Nhật Kim Anh). 

Để đẩy mâu thuẫn, tình tiết lên cao trào, biên kịch và đạo diễn còn tạo nên nhiều nhân vật ngoài tác phẩm gốc như Lũ, Hiểm, bà Hội, mợ Hai Sáng, bà Bảy… Chính bà Hội, Hai Sáng với sự trợ giúp của Hiểm đã đẩy Bình và Khải Duy phải chia lìa. 

Trong căn nhà của bà Hội, khán giả bắt gặp nhiều mặt của đời sống như tình yêu đẹp, chuyện tình tay ba, cung đấu, tranh giành tài sản.

Có thể thấy dù tuyến nhân vật chính hay phụ đều được đạo diễn xây dựng đa dạng, không bị một màu. Cậu Ba Khải Duy dù độc ác, tàn bạo với người làm nhưng bên cạnh người phụ nữ anh yêu thương lại ngọt ngào, quan tâm. Nhân vật Hiểm nhiều chuyện, ích kỷ, sẵn sàng hại người khác để bảo vệ tình yêu nhưng cũng vì người yêu cố gắng thay đổi bản thân…

Thân phận người nông dân trong xã hội phong kiến

Chuyển thể từ một tác phẩm của nước ngoài nhưng Tiếng sét trong mưa lấy bối cảnh Nam Bộ vào những năm 1950. Qua việc miêu tả những số phận trong xã hội phong kiến, phim đã lột tả xung đột giữa người nông dân và giai cấp địa chủ.

Ở đó, những người ở giai cấp trên có tiền và có quyền. Họ coi nông dân, người ăn kẻ ở chỉ là thứ mạt hạng. Bởi thế khi Bình dù sinh con cho Khải Duy, bà Hội vẫn không chấp nhận cô là con dâu. Bà bắt cô xuống bếp ngủ, kiếm cớ đuổi đi khi chuẩn bị cưới được con dâu môn đăng hộ đối. Bà sẵn sàng giật con của Thị Bình, giao cho Hai Sáng với lý do: “Cháu nội của tao không thể giao cho một đứa có thân phận thấp hèn nuôi dưỡng”.

Lũ bị Khải Duy đánh chết khi tìm mọi cách đưa Thị Bình chạy trốn.

Sau 24 năm, Phượng – con gái Thị Bình tiếp tục làm người hầu tại nhà Khải Duy. Và cô chỉ sơ suất làm cậu ba Xuân ngã đã bị bà chủ tát và nói: “Hạng hèn mọn như mày mà dám đụng tới con tao hả”. 

Hiểm chấp nhận bị những người ở đợ trong nhà bà Hội ghét, coi khinh khi tìm mọi cách để lấy lòng mợ Hai. Gây nên tội ác tày trời khiến Lũ bị đánh chết, Thị Bình phải tự tử, Hiểm khóc nói: “Tôi đâu muốn mọi việc tệ như vậy đâu. Tôi cũng chỉ là thân phận người ở hèn mọn. Tôi sợ bị mợ Hai đánh”.

Trong khi đó Hải làm công nhân ở đồn điền cao su bị ông chủ đối xử tệ bạc. Khải Duy yêu cầu tăng giờ làm với công nhân nhưng cho họ ăn uống kham khổ. Và khi họ lên tiếng, đưa yêu sách liền trừng phạt bằng những trận đòn dã man, bỏ đói.

Vợ Khải Duy nảy sinh tình cảm với con riêng của chồng.

Khán giả xem phim đa số thể hiện sự xúc động với thân phận khốn khổ của người nông dân. “Tôi đã khóc sưng mắt sau khi Bình bị vu oan tư tình với Lũ”, “Lũ không đáng bị chết đau đớn như vậy. Ước gì Lũ nói sự thật với cậu Ba”, “Thị Bình có làm gì nên tội để phải chịu bi kịch suốt đời”… đó là hàng loạt bình luận để lại sau các tập phát sóng.

Giai cấp địa chủ đặc quyền, đặc lợi đối lập hoàn toàn với đời sống người nông dân lam lũ, nghèo đói nên giữa họ luôn có xung đột. Đó là Lũ cố gắng đưa Bình thoát khỏi địa ngục trần gian của nhà bà Hội, không màng đến mạng sống. Đó là Hải luôn ấp ủ việc nổi dậy, chống lại ông chủ hà khắc, độc ác.

Tiếng sét trong mưa qua khắc họa hình ảnh của gia đình Khải Duy đã nói lên tất cả sự thối nát của xã hội thời đó. Ở đó, con người không có quyền sống, quyền được yêu và hạnh phúc.

Và tác giả, đạo diễn lựa chọn cái kết bi thảm cho Khải Duy như vợ hai quan hệ với con trai riêng, con trai yêu con gái của vợ cũ chính là nhân quả mà một kẻ độc ác, tàn bạo phải gánh chịu.

Nói về lựa chọn một kết thúc mang ý nghĩa nhân quả, đạo diễn Phương Điền cho hay: “Những cảnh đó đẩy bi kịch của nhân vật đến đường cùng. Nỗi đau bị bên ngoài tác động không thể đau đớn bằng chính người thân của mình”.

( Theo Zing)

Categories: Sao TV

Tags:

Comments are closed