Nhà văn Ngô Hoàng Hoa có nói: “Chỉ có bậc đại hiếu như nhà soạn nhạc Lê Văn Tuấn mới cứu được mẹ”. Anh trả lời: “Chữ Hiếu trả cả đời cũng không hết, làm sao gọi là đại hiếu?”
Câu chuyện của nhà soạn nhạc Lê Văn Tuấn chăm sóc cho người mẹ già 91 tuổi ai nghe qua cũng cảm động và vô cùng thán phục
Nhà soạn nhạc, nhà thơ, nhà văn Lê Văn Tuấn và mẹ lúc còn khỏe mạnh
Đối với nhà soạn nhạc, nhà thơ, nhà văn Lê Văn Tuấn (sinh năm 1953 tại Đức Thọ – Hà Tĩnh) thì nghệ thuật là niềm đam mê, nhưng việc được ở bên cạnh, chăm sóc cho người mẹ già 91 tuổi mỗi ngày mới thật sự là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của cuộc đời mình. Mẹ anh – bà Nguyễn Thị Thang, sinh năm 1926, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, từng tham gia hoạt động cách mạng sau đó được đưa về làm việc tại nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà ( TP Vinh). Cụ thân sinh ra bà trước đây vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc nam chuyên bốc thuốc chữa bệnh cho người dân nghèo nên mới đặt cho bà cái tên Thang ( thang thuốc). Sau khi lập gia đình, bà chuyển vào Nam sinh sống. Bà có ba người con, nhưng hai người con đầu không may mất sớm, hiện chỉ còn lại mỗi cậu con út là anh Lê Văn Tuấn.Bảy năm đại học ở Belarus (Liên Xô cũ), anh Tuấn không một lần được về thăm nhà. Nhưng trong lòng anh lúc nào cũng như có mẹ bên cạnh, mẹ là động lực để anh vượt qua mọi khó khăn, nỗi nhớ quê hương để ăn học thành tài. Cuộc hôn nhân tan vỡ, anh Tuấn quyết định không lập gia đình nữa, làm thân gà trống nuôi con và chăm sóc cho mẹ ( hai con anh đi du học, hiện đang làm việc tại nước ngoài).
Hiện, mẹ anh bệnh nặng, không ăn uống được gì gần 36 ngày nay. Mỗi ngày anh tự tay nhỏ từng giọt nước trắng và nước cơm cho mẹ, hòng mong mẹ có chút dinh dưỡng mà duy trì cuộc sống…
Anh và mẹ sống trong căn nhà lớn trên đường Nguyễn Cửu Vân – Quận Bình Thạnh. Hiện, mẹ anh bệnh nặng, không ăn uống được gì gần 36 ngày nay. Mỗi ngày anh tự tay nhỏ từng giọt nước trắng và nước cơm cho mẹ, hòng mong mẹ có chút dinh dưỡng mà duy trì cuộc sống…
Mẹ anh bệnh, không ngủ nghỉ được. Mỗi đêm, vào khoảng 1 giờ sáng là anh lại đẩy xe lăn đưa mẹ ra đường, đi đến 5 giờ sáng mới về. Khí trời mát mẻ và xe rung rung mới khiến mẹ anh đi vào giấc ngủ để hồi sức, cứ xe dừng lại là mẹ anh tỉnh. Anh cứ phải đây xe mãi, đi hết Nguyễn Cửu Vân, xuyên qua Xô Viết Nghệ Tĩnh, xuyên qua Nguyễn Hữu Cảnh , xuyên qua cả Sài Gòn Pearl, đến tận sông Sài Gòn. Anh cứ đẩy xe lộc cộc giữa đêm khuya, mẹ anh ngủ say há miệng ra thở, người ta chạy đêm bên ngoài thấy lạ và khả nghi, cứ rà xe theo để quan sát. Vài bảo vệ ở khu Sài Gòn Pearl cứ theo gặng hỏi và theo sát. Đêm nào anh cũng đi như thế đến sáng thì về. Ban ngày lại tận tay chăm sóc cho mẹ, dù có người giúp việc nhưng anh cũng không yên tâm giao mẹ cho họ. Anh cứ nằm bên cạnh, ôm ấp truyền năng lượng, xoa bóp tay chân cho mẹ. Đêm thì chăm mẹ, ngày vừa chăm vừa làm việc, nhiều lúc quá mệt mỏi, anh cứ gà gật cho qua giấc…Nhà văn Ngô Hoàng Hoa có nói: “Chỉ có bậc đại hiếu như thầy mới cứu được mẹ”. Anh trả lời: “Chữ Hiếu trả cả đời cũng không hết, làm sao gọi là đại hiếu?”
Năm 2009, bà bị bệnh nặng đột ngột, nằm mê man, không còn biết gì nữa suốt một tháng trời trong Bệnh viên nhân dân Gia Định, bác sĩ bảo anh nên chuẩn bị hữu sự cho mẹ. “Nhưng tôi nghĩ “còn nước còn tát” nên quyết định bán căn nhà lớn ở Quận Bình Thạnh, mua căn nhà nhỏ ở Quận 10 để dư ra số tiền chạy chữa cho mẹ. Đồng thời, tôi cũng có một chút tâm linh là muốn “thay đổi tọa độ” (chỗ ở) cho mình và mẹ để tìm một tia hy vọng…” – anh Tuấn chia sẻ.
Anh đưa mẹ về nhà mới đúng vào ngày 29 Tết để chuẩn bị ra Giêng đưa mẹ qua nước ngoài chữa trị. Nhưng giống như một phép lạ, sáng mùng một Tết, mẹ anh bỗng mở mắt và cất tiếng thều thào gọi tên anh. Đến ngày mùng 8 Tết thì sức khỏe bà tốt dần lên, bà con họ hàng ai cũng mừng cho anh, ai cũng cho rằng chính chữ hiếu của anh đã “kéo” mẹ trở lại…
Anh Tuấn luôn tự tay chăm sóc cho mẹ
Trong hầu hết những sáng tác thơ văn và âm nhạc của anh từ trước đến nay, phần lớn đều có bóng dáng của người mẹ thân yêu. Anh Tuấn cho biết: “Với tôi, mỗi năm đến mùa Vu Lan, được cài lên ngực đóa hoa hồng thắm vì còn có mẹ bên cạnh, đó là một may mắn lớn lao. Dù có cực khổ để chăm sóc cho mẹ hơn thế nữa, tôi vẫn vui lòng…”
Hỏi về Tết, anh cho biết: “Nhiều năm nay, tôi vẫn giữ thói quen khai bút vào sáng mùng một, có thể là một đoạn nhạc vui ngày xuân, một bài thơ, một câu đối hoặc tùy bút. Tôi quan niệm ngày nào trong năm cũng là tết ( không phải có rượu thịt ê hề mới gọi là tết ) mà đó là sự duy trì được tiếng cười vui vẻ, lạc quan để hướng tới tương lai…”
Nguyên Nguyên